Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/21/2011(UTC) Posts: 1,133
Was thanked: 325 time(s) in 180 post(s)
|
[img]  [/img]
Em ra đi mùa thu Mùa thu không trở lại Em ra đi mùa thu Sương mờ giăng âm u
Em ra đi mùa thu Mùa thu không còn nữa Đếm lá úa mùa thu Đo sầu ngập tim tôi
Ngày em đi Nghe chơi vơi não nề Qua vườn Luxembourg Sương rơi che phố mờ Buồn này ai có mua?
Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng Ngập giòng nước sông Seine Mưa rơi trên phím đàn Chừng nào cho tôi quên
Tiếng hát SĨ PHÚ với ca khúc "Mùa Thu Không Trở Lại" http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=MyHaf54XAo [img] [/img]
Le jour où tu es partie Grande fut ma douleur En traversant le jardin du Luxembourg Envahi par un brouillard si épais qu’il recouvrait la ville Et cette tristesse en moi,comment m’en débarrasser?
Depuis notre séparation, J’entends tomber ô combien de feuilles mortes Submergeant l’eau de la Seine Alors que la pluie qui verse des larmes sur mon sillet
Pourrait-elle un jour me faire t’oublier? [img]  [/img]
Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu là tác giả nhiều ca khúc lãng mạn hiện đại và nhiều loại hòa tấu với kỹ thuật uyên thâm, nhưng Mùa Thu Không Trở Lại là bài ca được đồng bào yêu mến nhất vì rất cảm động, vừa thiểu não vừa nhung nhớ và đượm màu thời gian như dửng dưng trước một vết thương đau không hàn gắn… « Đối với tôi… – theo tâm tình của người nhạc sĩ – là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi tôi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu « Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại… » Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi. »
[img] [/img]
Vườn hoa Luxembourg thơ mộng và lãng mạn khi mùa thu đến, lúc người lữ khách đi ngang – sau khi vào Cửa Ngõ Chính, dựng trước Boulevard Saint Michel thuộc Quartier Latin-Quận 5-Paris, nằm cùng với Boulevard Saint Germain phía bờ tả ngạn sông Seine, nổi tiếng là nơi trú ngụ của nhiều nhà trí thức và nghệ sĩ canh tân : « Ils sont très rive gauche », như người ta thường nói… Người lữ khách đi vào công viên, thẳng tới Cửa Ra, mở trước đường Vavin, rẽ bên phải thì chân đạp Đại lộ Montparnasse mà theo dọc vệ đường có tượng của văn hào Honoré de Balzac 1799-1850 do nhà hội họa điêu khắc RODIN : Honoré de Balzac là tác giả 95 tiểu thuyết xã hội, trở thành tuyển tập La Comédie humaine xb năm 1840. Khu này (thuộc Quận 14) rất được hạng văn sĩ hay tài tử ngoại quốc năng tới lui giữa hai thế chiến, mà cũng là lãnh vực của nhà nghệ sĩ hội họa và điêu khắc Ý Đại Lợi Modigliani Amedeo năm 1906 trú ngụ tại Montmartre, rồi dời đổi qua Montparnasse kể từ năm 1909 cho đến năm sau (1920) thì mất trong nghèo nàn, cực khổ.
[img] [/img]
Hiện giờ, khu Montparnasse vẫn còn di tích những Quán Trà Văn Chương (Cafés littéraires) và những xưởng làm việc của họa sĩ và điêu khắc sĩ. Người du khách viếng thăm khu Montparnasse-Quận 14 ban đêm sẽ chứng kiến trong một thành phố nhỏ, nhưng tưng bừng rộn rịp trên bờ đường với hiện diện của nhiều văn nghệ sĩ-họa sĩ trình bày hàng la liệt những sáng tác mới của mình…
[img] [/img]
Trở lại Vườn hoa Luxembourg vị trí giữa vùng Saint Germain des Prés và Quartier Latin (thuộc Quận 5 và 6 của kinh thành hoa lệ), với một diện tích 23 mẫu Pháp nghĩa là 230 000 thước vuông, là một trong những vườn hoa lớn nhất, đẹp nhất và thơ mộng nhất ở Paris… đặc biệt vào những ngày đầu thu. Người du khách bước chân vào cửa chính Boulevard Saint Michel, rẽ ngay bên phải, có cảm tưởng vong hồn nữ hoàng Marie de Médicis còn lảng vảng đâu đây chung quanh lâu đài của Bà cùng tên (ngày nay là chỗ sở tại của Thượng Nghị Viện Pháp), nên dừng lại ngồi trong chốc lát trên một ghế có tay dựa, đặng thưởng ngoạn Suối Nước De Médicis (Fontaine de Médicis) chảy róc rách, êm dịu như một thoáng hương xưa… Chỗ này thật đúng như người ta thường nói là nơi gặp gỡ hẹn hò của tình nhân lúc đầu cùng nhau âu yếm trước giờ chia tay…
[img] [/img] [img] [/img]
Trong suốt công viên, hành khách sẽ gặp nhiều pho tượng đá của những nghệ sĩ, nhạc sĩ, thi hào, văn hào và ngay cả những chính khách mà dân tộc biết ơn như Pierre Mendès-France (1907-1982) là Thủ tướng chính phủ dưới thời Đệ Tứ Cộng Hòa đã ký Hiệp định Genève năm 1954 (sau Điện Biên Phủ) nhằm đem lại hòa bình bằng cách chấm dứt chiến tranh giữa Pháp và Việt Minh tại Đông Dương. Vì thế du khách có cảm tưởng đi dạo chơi trong một Viện Bảo Tàng ở giữa trời.
[img] [/img]
Ngày tôi từ giã quê hương mùa thu năm ấy, thật buồn không thể tả :
… Anh ra đi trong một chiều ảm đạm Tháng Mười năm Ngàn Chín Trăm Năm Mươi Trong sương khói biên thùy, trong quên lãng
Bỏ gia đình và đất nước thương đau…
(Em Có Về Làng Xưa, Thơ Nhạc LMN)
Cách đây đúng 59 năm, máy bay Caravelle chở đưa tôi từ Huế và Sài Gòn-Việt Nam đến Pháp, hạ xuống phi trường ORLY-Paris khoảng 10 giờ sáng ngày mồng 5 tháng 10 năm 1950. Vườn Luxembourg là thắng cảnh đầu tiên tôi viếng thăm, vì ở gần khách sạn thuê tại số 8 Rue des Quatre-Vents (Đường Gió Bốn Phương) - cạnh Métro Odéon, cách Đại học Panthéon-Sorbonne (lúc bấy giờ là Đại học Luật khoa và Khoa học Kinh Tế) đi bộ khoảng 10 phút. Bước vào công viên nổi tiếng một buổi chiều đầu thu, trong tâm hồn người nghệ sĩ vừa nặng tình gia đình và đất nước, vừa đau khổ vì từ nay phải sống kiếp lưu vong :
Ai hay chia lìa Sương gió biên thùy
Hiu hắt người đi sa trường xa…
(TMBS, nhạc và lời : LMN)
Tưởng nhớ lại lúc biệt ly :
Chiều vàng năm xưa khi mùa thu hiu hắt thiết tha bao hình bóng Một người ra đi trong gió sương mờ thoáng Nước non ngây buồn trông
Lá vàng rơi chứa chan ngoài song…
Chiều vàng năm nay khi mùa thu hiu hắt nhớ nhung bao hình bóng Tìm người yêu đi trong bóng sương, hồn nướckhóc âm thầm chờ mong
Lá vàng rơi chứa chan ngoài song…
(CVNX, nhạc và lời : LMN)
Chân đạp trên biết bao nhiêu lá chết, tôi nghe văng vẳng đâu đây trong vườn hoa mùa thu Paris, tiếng hát Baryton trầm hậu của Yves Montand, đi sâu vào tâm hồn người nghệ sĩ:
Oh! Je voudrais tant que tu te souviennes Des jours heureux où nous étions amis En ce temps-là la vie était plus belle, Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui Les feuilles mortes se ramassent à la pelle Tu vois, je n’ai pas oublié… Les feuilles mortes se ramassent à la pelle Les souvenirs et les regrets aussi Et le vent du nord les emporte Dans la nuit froide de l’oubli …………………………… Mais la vie sépare ceux qui s’aiment Tout doucement, sans faire de bruit Et la mer efface sur le sable
Les pas des amants désunis
(Les feuilles mortes, paroles de Jacques Prévert, musique de Joseph Kosma) :
Tôi rất mong em nhớ lại, ngày xưa Với những ngày có nhau trong hạnh phúc Đời thuở ấy đẹp đẽ hơn bây giờ Và mặt trời còn ấm khi chiều xuống Lá chết ngập vườn phải lượm bằng cái xuổng Em biết không, tôi đã không bao giờ quên… Lá chết ngập vườn phải lượm bằng cái xuổng Cũng như biết bao kỷ niệm và tiếc thương Mà gió Bắc lang thang mọi nẻo đường Trong đêm lạnh của thời xưa quên lãng …………………………………………………. Song cuộc đời chia cách những kẻ mến yêu nhau Thật êm dịu, không một lời than thở Và trùng dương xóa nhòa trên biển cát
Dấu chân của những người tình dang dở
Nhắc đến mùa thu Paris, tôi theo tâm hồn nghệ sĩ trở về dĩ vãng xa xưa tại nước nhà khi lúc còn thơ ấu, đọc sách bà Tường Phố khóc chồng với Giọt Lệ Thu (1923) :
Trời thu ảm đạm một màu Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng
hoặc bằng văn xuôi : “Anh ơi, em nghĩ đến : về với anh mùa thu, tiễn đưa anh mùa thu, mất anh lại cũng mùa thu, cho nên năm năm cứ đến độ thu sang, thì em lại bồi hồi nhớ trước, tưởng xưa, mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu…” Cái mùa thu tiễn biệt và vĩnh biệt cũng là nguồn hứng cảm của bao nhiêu nhà thơ nữ trong phái đoàn đến từ Hoa Kỳ tham dự Chiều Thu Tao Ngộ hôm nay (ngày 04 th.10-2009 tại Paroisse Ste-Anne De La Butte Aux Cailles, Paris Quận 13), như Ngọc An với “Những đêm dài không ngủ” (De Longues Nuits Blanches) sau khi Yên Bình vĩnh viễn ra đi trong mùa thu 2001 :
Anh ơi! Anh ở nơi đâu ? Tuyền đài có biết em sầu không anh Một mình thao thức tàn canh Chim trời vỗ cánh bình minh đón chào Bây giờ còn lại thương đau
Thầm ôm kỷ niệm đi vào thiên thu
Cũng như LAMARTINE : “Chỉ thiếu một người yêu duy nhất, Là đời ta như vắng vẻ, quạnh hiu” (Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé) :
Trước thung lũng, đền đài và nhà lá Ngoại vật trống không, mê ảo rụng rời Cả những sông, núi đá, khu rừng thẳm Từng ẩn núp mộng tưởng với cô liêu Nay thiếu bóng một người yêu muôn thuở
Tâm hồn ta như hoang vắng, quạnh hiu
Ngọc An mang nặng nỗi buồn thê lương của mình vì còn sống sót trong cõi đới này “không có anh” :
Anh đã về nơi đâu ? Để trần gian thương đau Em âm thầm đổi bóng
Nghe từng tiếng … thu sầu
(Thu Sầu, thơ Ngọc An 2002)
“Thu Sầu”cũng là tên bài thơ của Lưu Hồng Phúc viết trong năm 2004. Nhà thơ nữ đã gửi bằng điện thư sau khi đọc trước cho tôi qua điện thoại từ California, và tôi đã phổ nhạc và dịch sang Pháp ngữ. Nhạc và Thơ cùng bản dịch được đăng trên nguyệt san Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh, số 121, Th.04-2004, tr. 72, cùng trên nhiều báo khác và gần đây trong Tập San Tam Ngữ Firmament Tháng Avril-2009, trang 20-21 do Thomas D.Le, Hội trưởng “Thế Hữu Văn Đàn” (Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ) làm Chủ nhiệm, với sáu câu đầu, nhẹ nhàng song buồn thấm thía, không thể tả :
Từ mấy thu rồi xa cách nhau Lòng ta mang nặng nỗi u sầu Gom lá mùa thu ôn kỷ niệm Dệt thơ giữ lại đến ngày sau Gió cuốn về đâu những lá vàng Đường chiều vương vấn một màu tang Tìm đâu dư ảnh ngày xưa ấy
Hay vẫn trong ta những lỡ làng
Trong lúc nhà văn nữ, ký giả Nguyễn Thị Ngọc Dung, chủ nhiệm Tam Cá Nguyệt San “Cỏ Thơm”, tác giả những tác phẩm lẫy lừng như Phượng Vẫn Nở Bên Trời Hà Nội (Hồi Ký 1995) và Sài Gòn Nắng Nhớ Mưa Thương (Hồi Ký 1996) mà cũng là thi sĩ ấn tượng (poétesse impressionniste) vì với đôi nét chấm phá nhưng đượm nồng tâm hồn nghệ sĩ tha phương, nàng đã gặp gỡ “Tình Thu” nơi đất lạ :
Trời thu man mác khung sầu Mây thu bàng bạc vương màu thời gian Lá thu vàng đổ xuống ngàn Cây thu lạnh lẽo miên man u tình Rừng thu hiu hắt một mình Hồ thu in nước bóng hình đơn côi Sông thu đứt khúc chảy xuôi
Gió thu vi vút khôn nguôi âm buồn…
(trích Điểm Trang Làm Dáng Cuộc Đời, tr. 67)
Gió thu buồn thật, nhưng với sự có mặt hôm nay của Phong Thu, một cây viết sâu sắc và bén nhọn (Đỗ Bình) qua tuần báo Đại Chúng của Hoài Thanh mà nàng làm chủ bút, nhí nhảnh và hồn nhiên, ngay Paris thơ mộng cũng đỡ sầu đôi chút; hơn nữa nhà văn, ký giả Chu Kim Oanh, chủ nhiệm báo Rạng Đông Magazine cùng với phu quân Đoàn Phú Lạc đến từ Arizona đã đem lại tình bạn nồng ấm cho tất cả văn nghệ sĩ ở Pháp. Ngụ tại Bonneuil Sur Marne (ngoại ô Kinh Thành), nhà thơ nữ Vương Thu Thủy đã diễn tả một cách nhẹ nhàng, có thể nói là dửng dưng, song với những lời thơ không gọt giũa, nỗi lòng mình lúc mùa Thu Trên Sông Seine* sắp tàn :
Đêm qua ngồi đếm sao rơi Lắng nghe thu rụng bên trời Paris Sông Seine nước đến rồi đi Luxembourg cỏ xanh ghi ngút ngàn Đêm nay ngồi đón thu sang Nhớ ngưỡi thu ấy mênh mang thu này Thu xưa duyên lở trót vay Thu này lỗi hẹn ai hay mong chờ Giòng sông lượn khúc lững lờ Chiều về gió lộng , đôi bờ sông Seine Paris sương phủ mong manh Vàng thu lá đổ, phím đàn bâng khuâng Đêm qua thu bỗng chuyển mình Đêm nay thu rụng, dệt tình thơ yêu Nhắn thu lá đổ muôn chiều
Vô tình thu đã để nhiều nhớ mong
LÊ MỘNG NGUYÊN[img]  [/img]
|