CƠM TẤM





Theo lời kể của bác Năm chuyên bán cơm tấm cũng là mẹ người ban thân hồi tiểu học. Cơm tấm có lẽ bắt nguồn từ sự cân kiệm, chắt chiu cố cựu của các bà mẹ quê ... Dù ruộng đồng miền Nam được mệnh danh là vựa lúa gạo, từ hột lúa qua bao công vất vả đến tay các bà mẹ không bỏ phí đi đâu chút nào. Lúa bỏ vào cối giã ra vỏ trấu dùng để chụm lửa, ủ chuồng trâu bò, đến lượt vỏ cám để nuôi heo, gà...
Cứ nghe lời kể của người vợ hiền sau mùa gặt thu được mấy nong thóc lúa ...
Năm nong đầy em xay em giã
Trấu ủ phân cám bã nuôi heo
Sang năm lúa tốt tiền nhiều
Em đem đóng thuế đóng sưu cho chàng
qua các công đoạn này hột gạo trắng được hình thành với nhiều hạt đã bị bể vụn tuy không quá nhỏ để lẫn vào bụi cám nhưng nếu để lẫn vào gạo thì sẽ làm mất giá thành, họ lại sàng sảy để loại ra đám tấm vụn này. Bán thì không được giá cao, họ để ăn trong nhà và chê' biến cho ngon miệng trong các bữa mươn công thợ cấy gặt
Trúng phong chỉ muối chấm gừng
Mối tình tấm mẳn xin đừng phụ nhau
Thế rồi thời đại kỹ nghệ đã làm bớt đi phần nào vất vả, lúa được chở đến các nhà máy xay lúa, còn gọi là nhà máy chà. Chẳng tốn bao công sức mà trấu ra một nơi, cám ra một nẻo, hột gao trắng tinh chảy vào bao, và hạt gạo tấm còn lại một bên cũng được đóng bao bán chỉ nửa giá gạo nguyên, thì mấy sạp bán cơm tấm càng ngày càng nhiều, cạnh các nhà máy chà lúc nào cũng tấp nập người ra kẻ vào khiêng vác, kéo chở lúa đến gạo đi, trong các lồng chợ. Khách ăn được bữa cơm ngon lành, giá nào cũng được no lòng mà còn được mang tiếng đi ăn ... quán. Rồi cơm tấm tràn về phố chợ cho những người lao động ăn sáng thay xôi, ăn trưa đổi bữa cho dĩa cơm bình dân đơn điệu... Vì cơm tấm có chén nước mắm hơi chua lại dịu ngọt pha vị ớt cay nồng, thơm bùi mùi mỡ hành thính gao rang của bì, mặn mòi vị chả đúc và thơm ngậy rẻ sườn ướp nướng đang vàng ruộm, tươm khói trên vỉ lò than liu rịu ... và hàng nào dù trời nắng vẫn để sẵn 1 bình trà thiệt to, ai muốn uông bao nhiêu tự rót
Cơm tấm hơi khó nấu, phải nấu hơi ráo, các hạt cơm dù gạo mới dẻo vẫn phải nấu sao cho đừng dính vào nhau, lác đác rơi rớt như ... định mạng từ nhà máy chà phải ly tán nhau dù chung một hôt thì khi chan nước mắm mới thiệt thấm tháp. Cơm thường có 3 món bì, sườn, chả. Bì làm từ thịt ướp gia vị, ram, cắt sợi trộn với sợi bì xắt thiệt nhiễn và thính gạo rang xay nhừ ... Cái hồn của dĩa cơm tấm là ở đây, thiếu bì miếng cơm tấm trở nên lạc lõng ...Đúng sườn nương phải là sườn non từng rẻ, thịt bọc lớp mỏng quanh rẻ xương sườn chớ không phải miếng thịt bự cỡ lòng bàn tay dính chút xíu xương để gọi là sườn ... Chả đúc làm từ thịt heo bầm nhuyễn gia vị, hột vit, nấm mèo, bún tàu rồi đem chưng/hâ'p cho chín xong nướng lại cho thơm lừng lối xóm. Chả thường phải có chút mắm lóc, kẹt lắm thì tôm khô, nhưng hầu như không thấy nữa vị mắm đậm đà trong miếng chả.
Sau này cơm tấm lên chân, được bày bán trong các nhà hàng sang cả, chế ra đủ món. Cơm trắng tươi ngát mùi gạo thơm, không còn dĩa cơm màu ngà ngà mang chút hơi của cám.
Bác Năm cơm tấm là mẹ đứa bạn thân từ hồi tiểu học, bác mở sạp cơm tấm đầu con hẻm phụ đồng lương ít ỏi của bác trai nuôi bầy con, thương con bác thương luôn ... bạn của con, "đám khách" tụi tôi được bác chiếu cố những dìa cơm đặc biệt, dĩa của tôi lúc nào cũng nhiều bì. Tuổi nhỏ ngu ngơ thấy chiều là thích đâu biết phần lời của bác bị hụt hao... Còn quảng cáo giới thiệu lung tung nữa ... thời chiến bom đạn vô tình, bạn tôi mất cha ... Bác Năm oằn thêm gánh nặng thay chồng lo toan tất cả. Sạp cơm tấm buổi sáng có thêm mớ bánh tét, nồi sữa đậu nành nghi ngút khói ...
Rồi 30 tháng tư bác lại càng héo hắt lo khi mà những khách hàng của bác ngày càng nghèo khó, bác không nỡ bới cho họ dĩa cơm vơi để có chút lời vì trông nó hiu hắt quá lại thấy tội người khách ... không no được nửa bụng. Thời buổi gì mà cả ngày lây lất kiếm sống đến bữa cơm tối cũng ăn đại ngoài đường, nửa khuya mới về đến nhà. Bác lại nấu cơm bán tối, thêm nồi cháo trắng cá kho ... Không biết bác ngủ một đêm mấy tiếng... vậy mà có dịp gặp lại bác vẫn cười nhẹ nhàng và bắt ngồi xuống ăn 1 chút gì đó trong quán mà ... không chịu lấy tiền (ngày xưa thì bán rẻ bây giờ cho không)
Cuộc sống đẩy đưa, xô dạt tôi đã không ghé thăm bác như xưa, rồi tất tưởi ra đi ...
Tình cờ nghe tin bạn tôi vừa giỗ mãn tang mẹ, lòng chùng xuống như chìm trong mưa dầm nước đọng vũng sâu ... những người mẹ với từng gánh hàng rong, quán sạp bên đường, một vai gáng cả giang sơn, thời chiến khổ một, thanh bình khổ gấp ba.