Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 3/15/2011(UTC) Posts: 5,556 Location: CỏThơm
Thanks: 4254 times Was thanked: 10699 time(s) in 2631 post(s)
|
. Thơ lục bát còn, tiếng Việt cònHỡi cô tát nước bên đàng, sao cô lại múc trăng vàng đổ đi? (“Trăng quê”, Bàng Bá Lân)
“Cho tôi xem qua bài lục bát nào của anh/chị, tôi sẽ nói được ít nhiều về anh/chị.”
Câu ấy tôi vẫn nói với những người làm thơ quen biết, và có lý do để mạnh miệng như vậy. Không chỉ “văn là người” mà cả đến thơ cũng là “người”. Hơn thế nữa, bài lục bát ấy cũng nói cho tôi biết ít nhiều về “tay nghề” của tác giả bài thơ.
Thế nhưng, vì sao là lục bát mà không phải thể thơ nào khác? Chỉ vì, thơ lục bát “dễ làm, khó hay”, và là một thử thách cho người làm thơ. Qua một bài lục bát, dẫu tân, cổ kiểu nào, bản lãnh của người làm thơ thể hiện rõ nét hơn bất kỳ thể thơ nào khác.
I. Từ ca dao đến hồn nhiên lục bát
Thơ lục bát dễ làm, khó hay, nhiều người vẫn đồng ý như vậy, nhưng không chắc đã đồng ý với nhau thế nào gọi là “hay”.
Biết thế nào là bài thơ, câu thơ hay? Khen một bài thơ hay cũng giống như khen bức tranh đẹp, dễ rơi vào chủ quan. Người này nói đẹp, người kia nói không đẹp. Đẹp xấu, hay dở thế nào là tùy thuộc cảm quan nghệ thuật, khuynh hướng thẩm mỹ của từng người. Cũng tựa như nghe nhạc vậy, người yêu bài này, kẻ thích bài kia. Người yêu “tuyệt phẩm bolero”, kẻ thích “dòng nhạc thính phòng”… Mỗi người mỗi tánh mỗi ý, câu thơ có chạm được vào trái tim người yêu thơ hay không là tùy vào cung bậc cảm xúc của từng người.
Thơ lục bát cũng có lục bát sến, lục bát sang, lục bát truyền thống, lục bát hiện đại, lục bát cổ điển, lục bát tân kỳ, lục bát dung tục, lục bát tấu hài… Mỗi người “tự chọn” lấy những bông hoa mình yêu thích trên cánh đồng thơ lục bát.
Nhiều bài, nhiều câu lục bát được lắm người tán tụng, trầm trồ, thế nhưng tôi đọc chẳng thấy chỗ nào hay ho hoặc chỉ hay vừa vừa. Ngược lại, nhiều bài, nhiều câu lục bát tôi yêu thích nhưng không chắc đã được người khác chia sẻ. Tôi nhớ, một tờ báo mạng “chuyên trị” về thơ lục bát có tuyển chọn ra “1.000 câu thơ lục bát để đời”, hoặc một tờ báo khác làm công việc bình chọn “99 bài thơ lục bát hay nhất thế kỷ”. Không rõ việc bình chọn dựa trên những tiêu chuẩn nào và kết quả thế nào, riêng tôi vẫn cho là việc này không dễ và kết quả việc “bình bầu cá nhân xuất sắc” ấy không chắc được sự đồng thuận của người yêu thơ và làm thơ, nhất là những nhà thơ không thấy… tên mình trong số tác giả được tuyển chọn.
Dường như những bài thơ hay ngày càng ít đi, nhiều lắm chỉ nhặt ra được một đôi câu trong một bài. Người đọc khó mà nhớ được trọn bài thơ nào là vậy. Bài lục bát duy nhất tôi nhớ được trọn bài là “Hoa cỏ may”của thi sĩ Nguyễn Bính, gồm một câu “lục” và một câu “bát”:
Hồn anh như hoa cỏ may một chiều cả gió bám đầy áo em
Thơ hay, một hai câu cũng hay.
Người viết nhớ đâu ghi đó những câu lục bát dẫn ra trong bài. Người đọc, như trên đã nói, có thể thấy hay hoặc không hay, thấy thích hoặc không thích. Việc dẫn giải những câu thơ trích dẫn, nếu có, chỉ vắn tắt. Dù sao, “bắt” được một, hai câu lục bát hay, với người yêu thơ, cũng là điều thú vị. Mong được như vậy.
1. Lục bát dân gian
Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Có tài liệu nói rằng câu thơ trên không phải là câu ca dao quen thuộc như nhiều người vẫn tưởng mà là câu lục bát trong bài thơ “Trăng quê” của thi sĩ Bàng Bá Lân in trong thi tập đầu tay Tiếng Thông Reo, xuất bản năm 1934 ở Hà Nội. (Câu thơ Bàng Bá Lân có khác hai chữ: Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?).
Lại có người cho rằng câu ca dao Trăng bao nhiêu tuổi trăng già / Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non? là câu thơ của thi sĩ Tản Đà.
Những nhầm lẫn này cho thấy nhiều câu lục bát về tình tự dân tộc rất gần với ca dao.
Từ lúc nào, từ nơi sâu thẳm nào trong tâm hồn người Việt đã thấm đẫm nguồn thơ lục bát bàng bạc trong kho tàng ca dao, trong nhiều bài đồng dao, trong lời mẹ ru con bên vành nôi. Nguồn thơ lục bát, trong nghĩa ấy, là nguồn cội dân tộc.
Tôi nhớ đã phải lòng lục bát từ thuở được làm quen với những câu ca dao trữ tình mà nhiều người quen gọi là “lục bát dân gian”. Bên dưới là những câu lục bát thẳng cánh cò bay mà không khéo lắm người lại tưởng rằng… ca dao.
Không trầu mà cũng chẳng cau, làm sao cho thắm môi nhau thì làm (Được yêu như thể ca dao, Nguyễn Duy)
Lòng anh quanh quẩn bờ rào, như con bươm bướm bay vào bay ra (Cảm ơn, Viên Linh)
Hay là:
Thôi thì em chẳng yêu tôi, leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng (Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)
(“Nhớ người rưng rưng” mới thật là hay, không phải “khóc người rưng rưng” như lời của bài nhạc phổ thơ).
Trăng tròn từ thuở mười lăm em tròn từ thuở anh nằm tương tư (Trăng, Bắc Phong)
Hay là:
Chỉ tại con mắt lá răm nên tằm mới chịu ăn nằm với dâu…
Chỉ tại cái nết không chừa thế nên trúc cứ lẳng lơ với mành (Trăm dâu cứ đổ đầu tằm, Ngô Tịnh Yên)
Mùa thu mây trắng xây thành Tình em mầu ấy có xanh da trời (Thu 1954, Hoàng Hải Thủy)
Cái đẹp của thơ lục bát là vẻ đẹp tự nhiên, không cầu kỳ kiểu cọ, không chải chuốt điệu đàng.
Cái hay của thơ lục bát là cái hay của vẻ đơn sơ, bình dị, như tâm hồn chân chất mộc mạc của người dân Việt.
2. Lục bát qua cầu gió bay
“Mỗi người Việt là một thi sĩ”, tôi ngờ rằng “thi sĩ” trong câu nói ấy nhiều phần là thi sĩ của thơ lục bát, của những lời thơ tựa những lời lẽ người ta thốt ra một cách tự nhiên mà nghe thật ngọt ngào, dịu dàng và êm tai.
Anh đã có vợ hay chưa mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào? (Ca dao)
Theo cái nghĩa này, ai cũng có thể làm thơ được dễ dàng mà không nhất thiết phải là thi sĩ, thậm chí không nghĩ rằng mình đang làm thơ. Già trẻ lớn bé gì cũng đều làm thơ lục bát được, và trong số những bài thơ ấy ta nhặt ra được không ít những lời thơ “gió đưa ngọt ngào”.
Câu thơ lục bát hay là câu thơ đọc “vèo” một cái thấy hay hay, đến chừng ngoái lại mới hay là mình vừa bước “qua cầu gió bay” một… câu lục bát.
Cái hay trong thơ lục bát là cái hay tự nhiên, hoặc được dụng công thật khéo để mang vẻ tự nhiên. Nhiều câu lục bát đọc lên nghe khơi khơi, nghe thật hồn nhiên như… lục bát:
Còn điếu thuốc này nữa thôi, đốt lên anh chúng ta ngồi hút chung (Chuyện mùa xuân muộn, Thái Phương Thư)
Tôi về đây nhớ chiều xanh, con chim nào hót trên cành khô kia (Giọng sầu, Hoài Khanh)
Hay là:
Đi trong chiều cuối tháng tư, nắng Montréal đẹp y như Sài Gòn (Dạo phố Sainte Catherine, Luân Hoán)
Tháng mười gió bén như dao Cắt rơi chiếc lá thả vào lòng tôi (Nhớ nhà, Quan Dương)
Tình ơi, về lại tháng ba ghé thăm một chút cho ta đỡ buồn Lục trong ngăn kéo, thỏi son tình đi ngày ấy hãy còn bỏ quên (Tình ơi, Lâm Chương)
Chưa hết:..
Lòng còn thơm ngọn gió quê thổi đâu từ thuở bờ tre mới trồng (Năm mới, Phan Ni Tấn)
Trầu ơi, xanh lá cho mau cho duyên con gái thắm màu vôi yêu (Chiều thơm, Như Thương)
Vẫn chưa hết:.
Mùa thu có lá ngô rơi, có đôi người mới thành đôi vợ chồng (Hoa bưởi xóm Chùa Đào, Y Dịch).
Mười năm không trở lại nhà Bóng trưa nghiêng đổ, tiếng gà trong mơ (Trăng ý, Tần Hoài Dạ Vũ)
Những câu lục bát như thể “gió đưa cành trúc la đà”, như thể “cánh cò bay lả bay la” trên ruộng lúa mênh mông.
II. Ngôn ngữ thơ lục bát
Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng … chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.
1. Chữ và nghĩa
Thường thì nói đến ngôn ngữ người ta dễ nghĩ đến tiếng nói và chữ viết. Chữ nghĩa ở trong thơ lắm khi không giống như ở ngoài đời thường.
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy
Ngoài đời, chẳng ai nói như vậy cả. Câu thơ (của Phùng Quán) không phải là cây gậy, cây nạng mà “vịn” vào được.
Câu thơ hay thường có ý tứ mới, lạ, diễn đạt bằng chữ nghĩa mới, lạ, và nghe rất “thơ”.
Mành tương phất phất gió đàn Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Lối đi vừa chớm tiêu điều mùa nghiêng bóng nhỏ ngày xiêu cội dài phố chiều gió vọng bàn tay ru anh về với đôi ngày lãng quên (Bài ru,Trần Dạ Từ)
Những “gây”, “khan”, “nghiêng”, “xiêu”, “vọng”, “ru” ấy chỉ tìm thấy ở trong thơ.
Tóc người chảy suốt cơn mưa Ngực thơm hoa bưởi, môi đưa bão về (Chân dung, Du Tử Lê)
Em đi sông gọi tiếng thầm Lục bình chia nhánh đá trầm mình đau
Em đi trời xuống thật sâu Mây chia trong tóc, gió nhầu trên vai (Xóa bình minh, Trần Mộng Tú)
Những “chảy”, “đưa”, “gọi”, “chia”, “trầm”, “xuống”, “nhầu” ấy cũng chỉ tìm thấy ở trong thơ. “Mây chia”, “gió nhầu”…, ngoài đời chẳng ai nói thế bao giờ.
Tôi vào chùa, quá tam quan Phật ngồi im lặng, liễu bàng hoàng xanh (Thực, Không đôi bờ, Trần Mộng Tú)
Câu thơ đọc lên nghe… bàng hoàng. Đâu chỉ có Phật, đến cả Chúa cũng bàng hoàng:
Tiếng em hát giữa giáo đường, Chúa về trong những thánh chương bàng hoàng (Động hoa vàng, Phạm Thiên Thư)
Dường như cô bé rất hiền, tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ Dường như ai đó tình cờ theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng (Tiểu thư, Như Thương)
Chữ “ngoan” dùng như là động từ, nghe hay hay, ngồ ngộ (những người làm thơ khác chắc sẽ viết “tay ôm cặp sách”). Và động từ “viền” ấy nữa, nghe cũng mới, cũng lạ. Đến hai chữ “bất ngờ” thì thật là… bất ngờ, cứ như là bất ngờ quay đầu lại bỗng giật mình thấy anh chàng đứng ngay sau lưng mình tự lúc nào.
Những chữ nghĩa và cách nói lạ lùng ấy chỉ nghe, chỉ thấy ở trong thơ.
Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… gì gì đó mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.
Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.
Thơ hay, “thì”, “mà”, “là”… cũng hay, nhất là với thể thơ lục bát thuần Việt. Chẳng hạn:
Con sông nào đã xa nguồn thì con sông đó sẽ buồn với tôi (Dòng sông của tôi, Hoài Khanh)
Ví dù gối đã lìa chăn thì chăn gối cũng bao lần với nhau Ví dù trước đã lìa sau thì sau trước trước sau sao vẫn là (Minh khúc, 89, Nguyễn Tất Nhiên)
Chiều nay ngang cổng nhà ai nhủ lòng tôi chỉ nhìn cây trúc đào Nhưng mà không hiểu vì sao gặp người xưa lại nhìn nhau mỉm cười (Trúc đào, Nguyễn Tất Nhiên).
“Nhưng mà không hiểu vì sao”… những từ ngữ Hán-Việt, những từ ngữ sáo mòn thời thượng, vẫn cứ được nhiều người làm thơ yêu chuộng. Chữ nghĩa bình dân làm thơ kém hay chăng? Chưa hết:
Tiếng em cười tự thu nào mà nghe rúc rích bên rào giậu thưa Em gọi tôi ở ngoài mưa hay cơn gió lạnh nào vừa qua sông? (Thu xưa, Đynh Trầm Ca)
Tôi về khép lại căn phòng thấy trong lồng ngực như không có gì Trái tim đã bỏ tôi đi ai mà nhặt được gửi về dùm tôi (Gửi, Nguyễn Trọng Tạo)
Hay là:
Chết đi còn sợ xứ người là ta sợ cái nổi trôi đã từng Quê nhà em có về không cho ta về với nằm cùng nghĩa trang? (Về cùng, Hoàng Lộc)
Mai kia mốt nọ ngang nhà, có còn liếc trộm như là hồi xưa? E chừng sớm nắng chiều mưa, chuyện hồi xưa đã ngày xưa mất rồi (Phụ phàng, Trần Huy Sao).
Vẫn chưa hết, những câu lục bát “nhưng mà”, “mà sao”, “tại vì”, “cũng vì”…
Cũng vì mắt ngó trời xanh cho nên mắt cũng long lanh màu trời Cũng vì mắt ngó biển khơi cho nên mắt cũng xa vời đại dương (Ngón tay hoa, Trụ Vũ)
2. Ý tưởng
Câu thơ đẹp thường có mang theo ý thơ đẹp. Ý tưởng mờ nhạt, có mới mà không hay, hoặc có hay mà không mới, thường kém sức hấp dẫn. Ý tưởng cần sáng tạo hơn là vay mượn.

Một ngày nắng đẹp bình yên Sớm mai thấy mặt trời lên hiền lành (Không đề, Tế Hanh)
Câu lục bát của nhà thơ Tế Hanh, có người khen hay, có người chê “nhạt”, chê “hiền lành” quá.
Cà phê nhớ bữa hôm nay Chén trà xin hẹn ngày rày năm sau (Bên quán cà phê, Bùi Giáng)
Câu lục bát của “trung niên thy sỹ” Bùi Giáng, được “cải biên” khá vô tư từ câu lục bát của Nguyễn Du (hoặc “tư tưởng lớn gặp nhau” không chừng):
Chén đưa nhớ bữa hôm nay Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
Câu thơ hay như bông hoa lạ và đẹp nở ra từ… lục bát, đôi lúc gây bất ngờ và thú vị:
Biệt ly dù ở ga nào, cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên (Hôm nay, Nguyễn Tất Nhiên)
Em đi mang theo nụ cười, tôi ngồi nhìn thấy khoảng đời trống không (Cát bụi, Phổ Đức)
Dấu thu kinh tự còn mê, em mang tà áo bốn bề là trăng (Thu vô lượng, Nghiêu Minh)
(còn tiếp) |