Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/5/2011(UTC) Posts: 1,258
Thanks: 211 times Was thanked: 696 time(s) in 508 post(s)
|
Mưa đầu Xuân Bùi Bích HàBây giờ ở Việt Nam đang là cuối Xuân đầu hạ. Hôm qua, ngày âm lịch là mùng 3 tháng 3, tiết Thanh Minh. Ở quê nhà ngày xưa, chập này các nghĩa trang tấp nập người lui tới, khệ nệ mang theo lễ vật cúng mộ thân nhân. Đèn nhang, hoa, trái, xôi, gà, đồ mã cho người đã khuất, cả lễ vật tam sên và rượu trắng để cáo thổ thần thổ địa, tạ ơn bảo vệ người dưới mộ tuy không lạc nghiệp nữa nhưng cũng cần an cư.
Đó đây trong các nghĩa trang, bóng vợ hiền, con thảo lui cui bày biện, khấn khứa trong làn khói hương mờ ảo. Trước đó, họ đã lui cui nhổ cỏ khắp bốn xung quanh, lau rửa mộ chí, có khi sơn phết lại, quét sạch rác và lá khô rơi rụng khiến những nấm mộ được chăm sóc nhân tiết Thanh Minh hớn hở trút bỏ nét đông xuân vội vàng, ủ dột, khoác lên mình xiêm áo mới. Lũ trẻ loắt choắt, nghèo đói, chân đất, quần cụt, áo rách bươm, mặt mũi sạm đen, tóc cháy nắng vàng khè, khô như rơm, sống trong ngôi làng gần nghĩa trang, mỗi năm một lần, chờ đón ngày này để túa ra như ong vỡ tổ. Chúng chạy nhanh như những con chuột ngày giữa các hàng mộ đang có thân nhân khấn khứa, sì sụp lễ, chỉ chờ nhang tàn và ánh mắt cho phép của gia chủ là chúng xô vào nhau giành giật đồ ăn. Người lớn gọi chúng là đám cô hồn sống.
Thật ra theo tục lệ, nhà nào cũng vui lòng ban phát phẩm vật đã dâng cúng thân nhân cho lũ trẻ thèm ăn như một cách bố thí để cầu phước. Người Huế gọi nghi lễ này là “chạp mộ.” Người miền Bắc gọi là “tảo mộ.” Sinh ra và lớn lên ở Huế tới tuổi ngoài hai mươi, Thanh Minh với tôi là tất cả những gì tôi vừa kể theo trí nhớ mình, thực sự chưa một lần nào được chiêm ngắm cảnh trí ngày hội Đạp Thanh nô nức như mô tả trong truyện Kiều của cụ Tiên Điền Nguyễn Du: ...Thanh minh trong tiết Tháng Ba, Lễ là tảo mộ, hội là Đạp Thanh, Gần xa nô nức yến anh, Chị em sắm sửa bộ hành chơi Xuân, Dập dìu tài tử giai nhân, Ngựa xe như nước, áo quần như nen, Ngổn ngang gò đống kéo lên, Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay... Không biết có nơi nào khác trên quê hương chúng ta Thanh Minh đẹp và náo nhiệt như vậy không hay đại thi hào của chúng ta đã chỉ mô phỏng từ câu chuyện Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Hoa, xảy ra tại một địa danh đâu đó mà bây giờ ở tuổi cổ lai hy, tôi nghiệm ra, thấy được, lồng trong cảnh trí nên thơ dưới ngòi bút tài hoa của cụ Tiên Điền, cái hay, cái mới lạ và nhân bản, đã kết nối, diễn đạt, không thể nào toàn vẹn hơn sự sống và sự chết luôn kề cận nhau như bóng với hình, như ngày với đêm.
Chẳng phải cũng chính ở một nơi có những huyệt mộ im lìm chôn giấu những người đã khép mắt, xuôi tay vĩnh viễn rời bỏ cõi đời này mà duyên nợ đa đoan bỗng khiến xui Kim Trọng nhác thấy “hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa,” mở màn cho cuộc tình oan trái làm rơi nước mắt nhiều thế hệ hậu sinh ư? Thế kỷ 20, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời cho một bản thiền ca của ông với ý niệm tử sinh như nhân gian thường cảm nhận: ...Người đi trong không gian, nhịp xe uốn vòng tử sinh. Bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vườn hoa... Nơi này trái vừa hái, bông hoa vừa tàn rơi, nơi kia nụ non, lộc biếc chào đời. Và như thế, đời sống vừa tươi mới vừa cạn khô, như mặt đất vừa thấm mưa rồi sẽ thấm nắng, liên lỷ trong thời gian vô tận của Thiên nhiên huyền nhiệm không có lúc bắt đầu, không có lúc kết thúc so với vòng quay ngắn ngủi đời người.
Nửa đêm chủ nhật, thức giấc trong tiếng mưa rơi nhẹ bên ngoài cửa sổ, xao xác, buồn ơi nỗi nhớ nhà! Nằm gắng, lắng nghe tiếng cơn mưa xuân thì thầm lẫn với tiếng thở của chính mình trong đêm vắng, hình dung ra sự mong manh của kiếp người. Lại chợt nhớ Thiền Ca Phạm Duy: “Người đi trong không gian, thở hơi gió từ ngàn năm,” thân tứ đại ủ gió trong từng tế bào tràn trề sức sống nên mong manh cũng là vững chãi. Sáng sớm ra vườn, những sợi mưa trong veo vẫn còn lướt thướt mái hiên và trên những tàu cau nhà hàng xóm. Thảm cỏ Augustin vừa trở lại lấm tấm màu xanh mạ non, có vẻ sởn sơ dưới cơn mưa đầu xuân. Mấy bụi hồng uống no nước, có cành sà thấp gần chạm đất, mang nặng đâu kém mẹ hiền chín tháng cưu mang? Cận ngày sanh nở, mẹ nghèo vẫn quang gánh ì ạch, lần từng hạt gạo cho bữa cơm chiều. Mẹ ít nghèo hơn vẫn tay nâng bụng, tay vịn cầu thang để tới chỗ ngồi làm việc, chắt chiu ngày nghỉ cho con thơ cần mẹ nhiều hơn 8 tuần hộ sản. Ở Mỹ, văn minh và tiện nghi nhất thế giới thì cả hai mẹ con đều cố thu mình trên ghế lái, cho mẹ chạy nốt những chuyến đi/về làm cuối của thai kỳ.
Trời mát. Tiếng đàn sẻ ríu rít mừng mưa sau những ngày khô nỏ, lông lá như quần áo cũ treo trong tủ lâu ngày bám bụi, sáng nay được mẹ trời tắm giặt sạch sẽ. Một chú hay một cô không biết chim gì, có mào nhọn trên đầu, cổ khoang màu nâu đậm và nâu nhạt, tung tăng nhẩy trên bờ tường, một mình mà xem ra hạnh phúc lồ lộ. Không biết giữa người và chim, phía nào tán thưởng tự do nhiều nhất nhỉ? Hình như chim vì lồng son, cóng sứ không làm chúng vui, cũng không cầm chân chúng, sểnh cửa là chúng bay vút đi ngoại trừ đàn chim két ở Disneyland đã bị tẩy não và được huấn luyện để trở thành những con thú nhỏ trình diễn giúp vui quần chúng. Chim một mình vẫn ca hát véo von cùng mặt trời. Người một mình hay ủ rũ than thân trách phận nhưng hai mình chưa chắc đã vui.
Tôi ở Cali 30 năm, rất ít kỷ niệm với mưa Cali. Tất nhiên vì Cali ít mưa, chưa kể 4 năm nay, Cali bị hạn hán nặng. Có những ngày bầu trời ẩm sẫm, tưởng chừng sẽ mưa nhưng rồi đến xế trưa lại hửng nắng. Chẳng bù với Huế của tôi những năm xưa mưa thối đất, những cơn mưa ào ạt, những cơn mưa dai đẳng, buồn thê thiết, trẻ con đi học cả ngày mình mẩy. quần áo không bao giờ khô. Tôi rất quen với những đêm mùa đông rét mướt ngồi học bài khuya rồi đi ngủ trong tiếng mưa rơi không ngớt ngoài vườn, thỉnh thoảng ì ọp tiếng vài con ễnh ương kêu ở bờ ruộng trước mặt nhà, đem nỗi quạnh hiu và tịch mịch vào lòng. Bây giờ, căn nhà tôi ở rất gần với sông Santa Ana. Hai chiếc cầu bắc qua sông trên đường Fairview và đường First hiếm khi được soi bóng nước vì lòng sông cạn khô, trắng xóa xi măng, khiến tôi nhớ sông Hương ở cái thành phố làm nên tuổi thơ của tôi mà bây giờ nhớ về nó, tôi hình dung ra cả cái bụng sông tưởng chừng êm ả nhưng sâu bên dưới, nước cuồn cuộn bên này bên kia bờ. Tôi đã bao nhiêu lần đi trên những chiếc cầu bắc qua những dòng sông riêng biệt ở quê hương, tay vuốt mặt hai mùa mưa nắng, những giọt mồ hôi và những giọt lệ trời, không biết có một dòng sông vô hình khác mải miết cuốn đi năm tháng của đời mình cũng hệt như nước chảy chân cầu, chẳng biết trôi về đâu, tới đâu?
Tôi đã đi qua và dừng lại, có những buổi sáng, buổi chiểu ngồi trên bờ sông Tiền, sông Hậu, sông Cửu Long, yêu cuộc đời nồng nàn hương vị và sức sống của dân tôi thể hiện đậm nét trên các con sông ấy những năm tháng yên bình, những năm tháng chiến tranh, một sức sống hồn nhiên, vạm vỡ, bền bỉ, kiên trì, chạm mặt và giải quyết mọi thử thách hàng ngày không một lời than vãn. Xa quê hương rồi, những dòng trường lưu quê người nghe chừng mênh mông hơn, hung hãn hơn nhưng cũng xa vắng hơn và vô cùng lạ mặt, làm gì có cảnh trên bến dưới thuyền thương buôn mua bán tấp nập, tiếng nói, tiếng cười, tiếng kêu réo sải đi trên sông nước màu mỡ phù sa. Giữa dòng, những đoàn ghe máy chở khẳm nối vào nhau chậm rãi trôi, khói thổi cơm chiều từ cái cà ràng phía sau tỏa bay mùi cơm gạo mới, mùi khô nướng, mùi tép rang thơm quen làm cồn cào gan ruột và làm thèm chảy nước miếng.
Tôi ngồi đây, là một trong những khán giả còn lại của sân khấu đời sắp vãn cuộc, nhìn nhiều cảnh trí thay đổi, nhiều diễn viên ra vào sàn diễn đã làm xong vai trò của họ và vẫy tay chào tạm biệt. Mỗi người ra đi, lui vào hậu trường lần cuối, mang theo một chút gì của tôi có lúc buồn vui cùng họ nên sự hao hụt ngày càng nhiều, tiếc thương ngày càng chồng chất và nhớ nhung khôn nguôi.
Cảm ơn cơn mưa đầu xuân sáng nay, đến như một người bạn cũ thân tình. Dù vóc vạc, dung mạo, ngôn ngữ ít nhiều đã khác nhưng chút tình cố cựu và sự chia sớt dịu dàng vẫn còn nguyên vẹn giành cho nhau, giây phút này cũng sẽ là mãi mãi... |