Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 3/15/2011(UTC) Posts: 5,595 Location: CỏThơm
Thanks: 4254 times Was thanked: 10700 time(s) in 2632 post(s)
|
. TƯỞNG NHỚ CA NHẠC SĨ VIỆT DŨNG ngày 20 tháng 12 năm 2014 Kỷ niệm giỗ đầu của Việt Dũng Những ngày cận Giáng Sinh, Tết Dương lịch xứ người thật ồn ào náo nhiệt. Ở Mỹ mỗi năm có nhiều lễ nhưng theo tôi nghĩ, chỉ có ba (3) lễ lớn, mà dân bản xứ rộn ràng chào đón nhứt vẫn là lễ: Giáng Sinh (Sinh nhật Chúa) Thanksgivings (Tạ ơn) và July 4 (độc lập).
Dựa hơi vào lễ của người, ngoài những ngày nghỉ được trả lương, thì năm nào thằng con trai út của chúng tôi cũng lấy thêm những ngày nghỉ hè, rước cha mẹ qua vùng cháu làm việc nghỉ ngơi, đoàn tựu. Ăn uống thì khi cháu nấu ở nhà, khi đi ăn ở các hàng quán của người nước khác đến lập nghiệp ở xứ Hiệp Chủng Quốc nầy, như là: Thái, Lào, Nhật, Mông Cổ, Tây Tạng, Pháp… cho biết hương vị món ăn của nước người ta.
Cháu đưa chúng tôi đi thăm thú những thắng cảnh thiên nhiên đẹp, lạ mắt ít có ở các vùng khác, và do người làm ra như Giáng Sinh có nơi mắc cả trăm ngàn bóng đèn màu sắc rực rở… Những thiện nguyện viên đến từ ba tháng trước Noel giúp hàng ngày cả trăm người trong suốt mùa lễ. Để đén Giáng Sinh được thắp sáng từ 20 tháng 12 cho đến cuối tuần giữa tháng 1 của năm mới.
Thú thiệt, không giấu chi với quý vị đó là thằng con còn độc thân, có việc làm tốt và nghĩ đến cha mẹ. Cho nên chúng tôi mới được hưởng phước, một năm 3 tuần với cháu sau khi ra đại học và có việc làm. Làm cha mẹ mà “nước mắt chảy xuống chớ không chảy lên”, chỉ mấy ngày ngắn ngủi thôi mà chúng tôi cảm thấy quá hạnh phúc lắm lắm!
Không kể chi nuôi con khôn lớn nên vóc nên hình, chỉ những năm dài chị em chúng còn học, thì vợ chồng tôi làm mệt cũng không dám nghỉ! Vì nếu nghỉ thì không đủ tiền, mà không đủ tiền trang trải chi phí cho các con trong việc học hành và linh tinh suốt những năm dài ờ Đại học, thì chúng sẽ gián đoạn thì thời gại học hành sẽ kéo dài lê thê. Và có thể chúng nản chí xao lảng việc học … làm sao ra trường với nghề nghiệp chuyên môn sẽ vửng chắc trong việc làm màlo cho tương lai mai sau!
Cứ mỗi năm sau tuần lễ thứ nhứt của tháng mười hai (December) Cháu mua vé máy bay hai chiều, đi là giữa tháng và về là ngày cuối tháng (31 tháng 12). Mặc dù là con trai, nhưng suốt ba tuần chúng tôi ở đó, từ nấu ăn cho đến rửa chén bát, giặt giũ… cháu đều giành làm hết, không để cha mẹ rớ vào thứ gì dù việc nhẹ cũng vậy.
Đôi khi thấy con lu bu với việc làm bếp, tôi bảo:
- Để mẹ phụ với con, bây làm chậm chạp khiến tao thấy ngứa tay muốn làm quá đi…
Thằng nhỏ cười hề hề:
- Một năm con dành chỉ được mấy tuần để ba mẹ qua đây hưởng nhàn… Vây xin ba mẹ ngồi xem truyền hình, đọc báo hay điện thư gì đó… Còn mọi việc khác để con lo… Mẹ à lần nầy làm bếp chậm, lần sau con sẽ làm nhanh đó mẹ…
Nghe con nói, phu quân tôi gật gù có vẻ cảm động lắm, đôi mắt đỏ rưng rưng niềm vui và hạnh phúc bên thằng con út cưng vàng, cưng ngọc, cưng hột xoàn, cưng cẩm thạch… của ông. Chồng tôi an nhiên tự tại bước ra sân nhìn trời xanh mây trắng. Ánh nắng chói chan ấm áp dễ chịu ở vùng sa mạc Arizona dù đã vào chánh mùa đông. Mèn ơi, nếu ở các vùng khác vào thời gian như hôm nay thì đừng có hòng ăn mặc bình thường mà ra sân ngắm nghía trời mây nghe gió thổi run cây chanh, cây cam, cây bưởi… cành lá chạm vào nhau xào xạc quanh nhà như vậy được đâu!
Thật thế, bởi ở các vùng như miền Bắc nước Mỹ, hay Trung Tây Hoa Kỳ Chicago, Michigan, Minnesota… thì đầu tháng mười một đã lạnh thấu xương, tuyết rơi dài dài ngập đường ngập sá rồi. Thời tiết lạnh lùng từ cuối mùa thu, mùa đông và có khi chồm qua cả tháng của mùa xuân nữa…
Chúng tôi đến vùng sa mạc trốn tuyết mấy tuần cũng đỡ thương anh hùng lắm. Được con đưa đi chơi, thăm những thắng cảnh trong tiểu bang Arizona, còn mệnh danh là thung lũng Phượng Hoàng. Có lần chúng tôi đi dạo thuyền ở suối nước trên những núi cao cách mặt đất năm, sáu cây số… Đi thăm kỳ quan Mỹ Grand Canyon vào sáng sương mù, nhìn mặt trời lên như chốn bồng lai tiên cảnh trên thượng giới (trong các phim thần thoại) thật là diễm tuyệt! Đi thăm vùng người da đỏ sinh sống…
Trong hạnh phúc bên con, đôi khi tôi nghĩ rằng đó là cháu chưa có gia đình riêng, thì chăm lo và nghĩ đến cha mẹ như vậy. Chớ khi có vợ rồi thì… biết đâu, mà ông xã tôi nửa đùa nửa thật nói riêng với vợ rằng: “Được lúc nào thì hay lúc đó, chớ khi con có vợ rồi thì đừng mong hay nghĩ ngợi lung tung… khi nó không rước cha mẹ qua nữa! “Thôi hãy bỏ qua đi Tám” đừng buồn nghe em…”.
Tôi gật nhẹ đầu bùi ngùi cảm thông! Dù không nói ra nhưng riêng tôi cũng âm thầm chép miệng thở dài cảm thấy chột dạ và buồn buồn làm sao! Nhưng rồi tôi cười thầm, thiệt sao mình có ý nghĩ ích kỹ như thế! Con cái còn nhỏ thì bổn phận cha mẹ phải nuôi, lớn lên đi làm rồi có gia đình, bận rộn thê nhi… cũng như mình chớ có khác chi đâu! Sanh ra kiếp con người thì luôn xoay trong cái vòng lẩn quẩn như vậy có chi là lạ! Chỉ cầu mong sao các con nên người tốt, đừng để cha mẹ buồn phiền là hạnh phúc lắm rồi, chớ không nên mong ước gì thêm.
Nhờ Ơn Trên đặt để, chúng tôi có phước hơn một số anh, chị, em, và họ hàng, và bạn bè, chòm xóm… Là các con của chúng tôi rất ngoan và thương kính cha mẹ. Mặc dù các cháu tay làm hàm nhai, chớ không có tiền hô hậu ủng giàu có như các con của những người thân, quen đó. Năm nay, thằng con đưa vợ chồng tôi lên nghỉ trong một căn nhà nhỏ ở vùng núi (cháu mướn một tuần) phải mất ba giờ (3 giờ) lái xe, mới đến ngôi nhà nghỉ ở vùng du lịch Sedona (thuộc Arizona).
Đó là ngôi nhà sàn cất bên sườn núi. Mặt sau nhà sát cánh rừng thưa có cây xanh lá thắm và gió thổi vi vu lào xào suốt ngày đêm. Nhìn qua khung cửa sổ bên kia là dòng suối nằm dưới rặng thông xanh cao chót vót, in bóng nước trong leo lẻo. Chỗ trũng lớn lao xao chấp chóa đầy nước là cái hồ nhỏ lác đác vài con vịt trời đang bơi lội. Vào lúc nắng lê, trời trong mây tạnh có người ngồi dưới bóng cây câu cá… Phu quân tôi mỉm cười ý nhị:
- Những ngư ông ngồi bên hồ chắc là “câu thời câu vận” chớ nước hồ trong vắt như mắt mèo thì làm sao có cá mà câu…
Tôi cũng đồng tình với chồng, rồi cảm hứng nhẹ giọng:
- Em cũng nghĩ như vậy! “Nước trong xanh nên để dành tưới hẹ/ Nước đục ngàu mới có cá bẹ, cá trê…” Mùa đông mà nhiều du khách lớn tuổi (hưu trí) cũng đến đây! Anh thấy đó, họ thả bộ quanh bờ suối để hưởng không khí thiên nhiên tươi mát, yên tịnh nơi miền đồi núi non hùng vĩ nầy.
Vùng Sedona là một trong những nơi nổi tiếng đẹp của nước Mỹ. Khi ánh bình mình lên chiếu rọi, cho đến hoàng hôn khuất sau những dãy đồi xa. Mỗi một hướng đồi núi nơi đây có mỗi màu sắc khác nhau và thay đổi theo từng thời gian sáng, trưa, chiều, mưa, nắng, trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông… cùng với sự cảm nhận của mỗi người mà màu sắc đó, và hình dáng đó sẽ biến hóa đổi thay trong từng giờ qua, và vị trí của ta đang ngắm nhìn…
Trên bầu trời quang đãng, mây ngũ sắc từng cụm dầy lác đác đó đây trên nền trời có màu xanh bích ngọc. Thằng con chạy xe chầm chậm chở vợ chồng tôi ngắm núi đồi Sedona trong màu nắng đẹp, có lúc chúng tôi cùng xuống xe thả bộ đi dạo quanh con suối dài dọc theo đường lộ nhỏ ngập lá rừng héo úa, quanh co, và có cây cao hai bên gie bóng mát. Suối nằm quanh cặp sát uốn theo vách núi và qua ngang qua công viên nhân tạo có những bông hoa nở trái mùa… Mà ở các vùng lạnh thời điểm nầy không làm sao có. Tôi còn nằm nướng và mỉm cười vu vơ, nhớ đến cái “ngày hai mươi, tháng mười hai, năm một ngàn chín trăm sáu mươi chín (20-12-1969)” kỷ niệm trong đời của hai chúng tôi không quên được! Thời gian qua quá mới mới đó mà đã mấy mươi năm rồi…
Bởi thức trễ hơn chồng con, nên tôi còn đang ngồi ăn lót lòng ấm áp kế bên lò sưởi, lửa cháy phừng phừng và than hồng reo tí tách! Thằng con thì đang lúi húi pha cà-phê cho mẹ. Ôi mùi cà-phê thơm tho loang tỏa khắp căn phòng khách rộng, ăn luồn với nhà bếp, và phòng ngủ cao trên gác.
Đối diện chỗ tôi ngồi là cái bàn viết rộng, được đánh vẹt-ni màu nu sậm, bóng ngời. Chàng của tôi thức sớm đã ăn sáng xong, đang rị mọ, và chăm chú xem điện thư trong máy vi tính.
Bỗng ông thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi! Việt Dũng chết rồi!
Tôi chưng hửng, mở to mắt:
- Ông nói cái gì, có lộn không đó ông tía…?
Đẩy ghế đứng lên, tôi đi nhanh về phía chồng. Trong máy vi tín hiện rõ ràng dòng chữ báo tin: “Việt Dũng đã qua đời Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 20, tháng 12 năm 2013” Thiệt là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì hôm nay 20-12- đúng là ngày thành hôn của vợ chồng tôi năm 1969. Đã bốn mươi lăm (45) năm rồi! Bốn mươi lăm năm về trước, ở thành phố an bình thuộc tỉnh Mỹ Tho miền Nam nước Việt Nam.
Dù không bà con thân thuộc, nhưng tin Việt Dũng qua đời khiến lòng tôi vô cùng xao xác, như đã mất đi người thân của mình!
Ngược dòng thời gian tôi nhớ không lầm là vào đầu tháng 1 (dl) năm 1968. Tôi được nhận vào làm y tá ở phòng mạch bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy. Phòng mạch nằm trên đường Lê Văn Duyệt nối dài (lâu quá tôi không nhớ có đúng không?) Vì chỉ làm có mấy ngày, thì có sự vụ lệnh của Bộ Y Tế, cho tôi về nhận việc ở Ty Y Tế Mỹ Tho.
Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, người cao lớn nước da ngăm. Mũi cao, mắt sáng tóc luôn cắt ngắn (nhà binh). Bà xã ông là một phụ nữ rất đẹp, đương kim giáo sư dạy ở trường nữ Trung học Gia Long. Trường nầy còn có biệt danh thơ mộng nữa là trường nữ “Trung học Áo Tím”.
Thuở đó thỉnh thoảng có hôm sáng, có hôm chiều… bà bác sĩ Bảy ghé qua phòng mạch của chồng. Khi thì bà đến với cô gái lớn của ông bà, có lẽ hơn mười tuổi, cô giống mẹ nên rất xinh… Một hai lần tôi gặp bà đến với cậu con trai có khuôn mặt điềm đạm, phúc hậu, nhiều nét thanh tú, có đôi mắt tròn to, và miệng cười chúm chiếm rất dễ thương. Mà các chị y tá làm lâu năm ở phòng mạch bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, đã bảo: “Thằng bé cái mặt thật là dễ thương và đẹp trai như vậy… Phải chăng con người đều có số trời đã định? Cha là bác sĩ, mà thằng con lại bị sốt tê-liệt mang tật nguyền… Tội nghiệp thằng nhỏ phải đi bằng cây tó…”
Chiều hôm đó trước khi phòng mạch đóng cửa. Tôi khép nép đến lí nhí trong cổ họng, xin bác sĩ nghỉ việc.
Bác sĩ có vẻ không vui, nghiêm giọng hỏi:
- Vì lý do gì mới vào làm mấy bữa chị lại xin nghỉ? Làm sao tôi mướn kịp người khác để thế cho chị đây?
Tôi sợ sệt, sũng giọng nói lý do:
- Xin lỗi bác sĩ! Tôi ra trường đã bốn tháng chưa có giấy thông báo đi làm, thì nhà của ba má tôi ở dưới quê bị cháy! Vì nằm giữa hai bên đánh nhau! Tôi phải ở lại Sài Gòn xin việc để kiếm tiền tiêu dùng trong lúc chờ đợi đi nhận việc, mong bác sĩ thông cảm cho…
Có lẽ hiểu hoàn cảnh của tôi. Bác sĩ ngoài trả cho mấy ngày lương làm việc, còn tặng thêm tôi năm mươi đồng (50$) thuở đó xe lô Minh Chánh chạy tuyến đường Sài Gòn về Mỹ Tho chỉ có mười lăm (15$) đồng thôi.
Trước khi tôi ra về bác sĩ còn gọi lại, bảo:
- Tôi có mấy người quen làm ở bệnh viện Mỹ Tho. Chị có cần gì tôi có thể gọi điện thoại nói chuyện với họ…
- Cảm ơn bác sĩ có nhã ý… Nhưng để trình diện coi ra sao đã, chừng nào cần tôi sẽ nhờ bác sĩ giúp đỡ cho… Cảm ơn bác sĩ… Mặc dù Mỹ Tho là một thành phố nhỏ, tỉnh nhỏ dân số ít… Mỹ Tho không có biển gần, rừng xa mờ dạng, hay đồi núi chập chùng… Nhưng Mỹ Tho có vườn cây ăn trái, có ruộng đồng sát bên Đồng Tháp Mười nổi tiếng cá đồng và ruộng đất “cò bay xoải cánh, chó chạy cong đuôi” Vùng Đồng Tháp Mười nước nổi quanh năm, là địa thế rất tốt cho bọn giặc lẩn trốn… Cho nên dù Mỹ Tho nhỏ hơn các tỉnh lỵ khác, nhưng giặc giã triền miên…
Trong một nước đang chiến tranh, so với các ngành nghề dân sự khác thì nhân viên làm việc ở bệnh viện lúc nào cũng hết sức bận rộn. Nhà thương ở trại ngoại khoa không bao giờ có giường trống cho bịnh nhân mới, đôi lúc phải kê them giường bịnh ngoài hành lang. Thỉnh thoảng y tá chúng tôi còn được điều động qua giúp cho bệnh viện dã chiến bên quân y. “Đất nước lâm nguy/ Thất phu hữu trách” gia đình nào ở miền Nam cũng có thân nhân, con em mình trong quân ngũ.
Về Mỹ Tho làm việc chưa tròn năm thì tôi có người yêu nơi vùng đất hứa Bến Tre! Chạy trời không khỏi nắng, hôn phu tôi cũng là một quân nhân của Sư đoàn 21/BB có biệt danh là “Sét Miền Tây” đóng quân ở miệt rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ (Cà Mau).
Cho nên thuở đó bản nhạc “Giờ Nầy Anh Ở Đâu” nhạc và lời của nhạc sĩ Khánh Băng, tôi thường hát nho nhỏ đủ mình nghe… Bởi nếu tôi hát lớn họng thì gà bay, chó chạy… vì giọng ca tôi dở ẹt hà! Trong bài có câu tôi ưng ý nhứt, thuộc nằm lòng, mà khi buồn, lúc vui… tôi cũng có thể ngâm nga cho mình nghe để đỡ nhớ đỡ thương: “…Giờ này anh ở đâu?/ Pleiku gió núi biên thùy/ Giờ này anh ở đâu?/ Miền Trung hỏa tuyến địa đầu/ Giờ này anh ở đâu?/ Cà Mau tiếng sét U Minh rừng/ Anh ở đâu? ú u ù … Anh ở đâu?/ Dù rằng anh ở đâu, Anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài/ Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời …/ Vì lời thề xưa nở trên môi/ Và một tình yêu đã lên ngôi/ Kỷ niệm đầu tiên sống trong tôi/ Trên đường ta bước chung đôi…”
Để rồi vào mùa Giáng Sinh, “ngày 20 tháng 12, năm 1969”, người nữ cứu thương đó từ tạ mộng mơ đi lấy chồng! Và sau những ngày nghỉ phép hôn phối, chàng lính chiến SĐ21/BB trở về đơn vị, dong rủi mày miệt chốn sơn khê… vì quê Nam đã bị Cộng sản khơi ngòi chiến tranh! Cho đến “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972. Sư Đoàn 21/ BB tiến quân về giải tỏa An Lộc. Trong trận ác chiến oai hùng, anh dũng hiên ngang kéo dài đó… chàng của tôi trở về gia đình bằng:“Cây nạn gỗ/ Bằng chiếc xe lăn và bằng chiến công đầu…” Chàng đã bỏ lại chiến trường An Lộc hơn nửa thân thể mình (giải ngũ với cấp độ tàn phế 70%).
Theo vận nước nổi trôi, miền Nam nước Việt, bị Cộng sản và Việt Cộng cưỡng chiếm ngày 30 tháng 4 năm 1975! Kể từ đó quê hương chúng ta hoàn toàn nằm trong tay thống trị của Việt Cộng và Cộng sản. Dù đã tàn phế, nhưng phu quân tôi cũng bị Việt cộng tập trung tù đày trong cải tạo. Khi chàng được thả về, gia đình chúng tôi bốn người (hai vợ chồng và hai đứa con) đùm túm vượt biên! Sau chuyển hải hành thừa chết thiếu sống, gia đình tôi lên được lên bờ của nước thứ hai Indonesia. Những tháng ngày sống lang thang từ đảo nầy qua đảo khác ở Nam Dương quần đảo. Cho đến một ngày đẹp trời dài trên dưới một năm, và đầu năm 1980 gia đình tôi được vào Hoa Kỳ, sống ở vùng Chicago (Illinois).
Đến xứ người, ba năm sau chúng tôi mới tạm thời ổn định dễ thở hơn hai năm đầu một chút! Nghĩa là hai vợ chồng có công ăn việc làm, con cái vào trường học bình thường theo cuộc sống nhịp nhàn, đều đặn mỗi ngày như mọi ngày ở xứ người. Lúc bấy giờ chúng tôi mới tĩnh táo mà nghĩ đến chuyện nầy, nhớ đến chuyện kia…
Thỉnh thoảng phu quân tôi chở cả gia đình đi chợ Việt Nam ở thành phố Chicago để ăn hàng. Chợ cách nhà chúng tôi chừng bốn mươi lăm (45) phút đường xa lộ, và khoảng một giờ đường trong (nhiều đèn xanh đèn đỏ). Nơi đó có tiệm bán chè, cháo, bánh bò, bán da lợn… chả lục, bánh ướt… ăn liền, hoặc mua đem về nhà để dành được hai ba bữa! Còn các thứ như rau cải, thịt heo, thị bò, gà, tôm, cá… chúng tôi có thể mua ở các tiệm Mỹ, Phi, Tàu… ở gần nhà tươi và ngon.
Biết rằng chợ Việt ở xa, nhưng chúng tôi cũng đến để tìm hương vị nào đó phảng phất chút Việt Nam. Như là tờ báo tháng, báo tuần, hoặc lượm được tờ bản tin Việt ngữ trong các tiệm… Quý lắm, đem về vợ chồng xem từ đầu chí cuối không bỏ sót một chữ kể cả rao vặt, quảng cáo… sau đó cho vào kệ sách lưu trử, để dành tặng xóm chòm có người chưa đọc.
Ở vùng xứ lạnh tình nồng Chicago, Tết Nguyên Đán năm nào cũng do kháng chiến tổ chức ăn Tết đúng ngày (Mùng một Tết). Dù rằng chúng tôi là người xa xứ, nhưng năm nào cũng xin nghỉ mấy ngày để ăn Tết. Đã biết ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ Tết, nên ôm nay, chúng tôi khăn áo chỉnh tề đưa các cháu đến trường, thì chạy thẳng một lèo xuống dự lễ Tết Việt Nam.
Vào thập niên 80 người Việt tha hương ở Chicago ít ỏi. Họ là du học sinh đến trước 1975, còn lại đa số là vượt biên, vượt biển… như chúng tôi. Mấy năm sau nầy, người Việt đến nhiều theo diện: Gia đình bảo lãnh, con lai, H.O (Quân nhân bị tù cải tạo Việt cộng)…
Những ngày Tết của chúng ta luôn lọt vào chánh mùa đông của Mỹ. Chicago mùa đông lạnh tái tê, lạnh teo phèo, teo phổi… Dù có áo quần chống lạnh đặc biệt, cũng không thể nào chịu đựng nỗi cái rét buốt đứng nơi bốn bề đều lạnh, dưới độ đông lạnh của nước đá. Cho dù đứng ngoài trời chừng ba mươi, hoặc bốn mưới phút, cũng không chịu được, thì đừng nói chi lễ Tết kéo dài cả ngày trời. Nên ở vùng lạnh Chicago những tổ chức quy tựu đông người thì thường trong phòng thể thao trường Trung học, nhà hàng lớn, nhà thờ, hoặc những cái “ball room” của Mỹ để có đầy đủ tiện nghi như là bãi đậu xe, khán đài, phòng vệ sinh, máy sưởi…
Không biết Chicago tổ chức bao nhiêu lần Tết rồi, nhưng riêng với vợ chồng tôi thì đi dự năm đó là cái Tết đầu tiên. Vào cửa chúng tôi bước lên thang lầu bằng đá rộng, còn mấy bậc nữa thì đến hội trường tổ chức Lễ Tết Việt Nam, có một số người Á Đông như Miên, Lào, Thái, Phi… cũng đến dự lễ Tết của chúng ta.
Bỗng lồng lộng bên tai một giọng dõng dạc của người điều khiển chương trình buổi lễ. Tôi không vội bước vào mà dừng hẳn lại lắng nghe, và nhìn thấy trong hội trường có trên năm sáu trăm người tham dự hội Tết, thuở đó như vậy là đông lắm rồi.
Tất cả mọi người trong hội trường đồng thanh ca bài Quốc Ca Việt Nam. Điệu nhạc, lời ca trầm bổng, hùng hồn… đã khiến lòng tôi xúc động rưng rưng! Dĩ vãng xưa chợt quay về, khiến tôi không sao cầm được dòng lệ chảy dài xuống má… Thuở còn học Tiểu học, rồi Trung học… sáng nào bọn học trò chúng tôi cũng được cô giáo sắp ngay hàng thẳng lối, để chào cờ và hát Quốc ca… Từ ngày Cộng sản, Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam đến nay đã bao nhiêu cái Tết lặng lẽ đi qua. Gia đình tôi bôn đào đến được xứ người tự do… nên chúng tôi mới được nghe, được hát lại bài quốc ca thân thương của nước mình, thì làm sao tôi không chạnh lòng xúc động, thổn thức, mừng tủi, nghẹn ngào.
Bên ngoài trời nắng ui ui, mây xám hạ thấp giăng giăng u ám nhòa nhạt. Theo cơn gió lạnh hắt qua từng mảng tuyết lao chao, bay bay, mờ mịt không gian giá lạnh. Trong nhà lò sưởi ấm áp chạy hai mươi bốn giờ suốt cả mùa đông, tôi chồm quơ cái khăn máng gần đó lau vội dòng nước mắt, sau khi nghe bài “Một Người Mang Tên Quốc” Nhạc và lời sao mà thống thiết, nức nở, nghẹn ngào… qua tiếng hát của ca sĩ tài danh thời đại.
Mỗi ngày như mọi ngày tôi đi làm về, lúc nào cũng lu bu nhiều công việc! Nhứt là lo buổi cơm chiều cho chồng con, kẻ đi làm người đi học về… đang ngồi chờ ăn. Phụ nữ ở xứ nầy, ai sung sướng rỗi nhàn đâu không biết, với riêng tôi sao mà bận rộn quá chừng chừng đi thôi! Ngoài công việc mỗi ngày tám giờ ở sở, về còn lu bu nhiều việc nhà phải làm nữa… Đôi khi ham tiền, tôi còn “cày” thêm mấy giờ phụ trội ngày thứ bảy. Để mỗi giờ làm thêm được lãnh gấp rưởi (Thí dụ, mỗi giờ làm lãnh 10$ phải làm 40 giờ/ Làm ngoài 40 giờ giờ đó, thì mỗi giờ làm được lảnh 15$) Như vậy ngon “hơ” tội gì mà không làm nhỉ! Có thêm tiền, phần ăn uống của chồng con thêm phong phú hơn là cái chắc… Cho nên ở nhà vừa làm việc nầy chưa xong thì nghĩ đến việc khác phải làm tiếp theo… Bởi thế tôi không đủ giờ ngủ và thiếu cả giờ ăn… Ở Mỹ câu “thời giờ là tiền bạc” thiệt trúng ngay bon, trúng phong phóc đó quý vị ạ!
Thiệt tình mà! Xin thưa với quý vị, ông chồng tôi biết vợ mình, và các con biết mẹ chúng thường xuyên đi làm thêm ngày thứ bảy. Trong khi tôi đội tuyết giá lạnh lung trên đường đi thì cha con phè cánh nhạn an giấc nồng ngủ trưa trờ trưa trật! Và khi thức dậy thì trên bàn mẹ chúng đã bày sẵn những món ăn sáng, cà-phê, nước trái cây… cho cha con. Thế mà chẳng ai hề khen ngợi hay đếm xỉa đến người phụ nữ nầy cả! Ấy vậy, hễ phu quân tôi năm khi mười họa đi làm vài giờ phụ trội… thì đám con bu quanh ba, đứa đấm lưng, đứa bóp vai, và ồn ào lên như cái chợ: “Tội nghiệp ba làm nhiều quá! Tội nghiệp ba cực khổ! Tội nghiệp ba, tội nghiệp ba…” Tôi nguýt cha con chúng con mắt bén như dao cạo râu của mấy ông thợ hớt tóc, và chừ bự cái mặt “tội nghiệp ba, tội nghiệp ba…” vì thấy ganh tị với chồng, và hờn mấy đứa con không công bình với mẹ…
Tôi chợt mắc tức cười cho tánh trẻ con của mình! Bỗng chuông từng chập reo vang, tôi nhấc điện thoại:
- Helo, helo… Xin lỗi, vị nào bên kia đầu dây vậy?
Giọng rôn rổn của bà bạn thân cười hí hí: - Nầy bà nghe nhạc CD mới mua chưa?
Trả lời bạn ở cách nhà tôi mấy làng, mà tuần trước hai đứa cùng ghé qua chợ mỗi đứa mua một CD tân nhạc giống nhau:
- Đang nghe, chị gọi có chuyện gì không, hay chỉ vậy thôi?
- Không, chỉ vậy thôi nghe tiếp đi “bye, bye…”
Vừa mắc điện thoại lên tôi vừa lầm bầm một mình: “Đồ mắc toi, thiệt là vô duyên không tiền thưởng, vậy mà cũng gọi người ta…”
Rồi giọng hát trầm ấm ngân dài như nức nỡ, nghẹn ngào của ca sĩ tài danh, qua bài: “Một Chút Quà cho Quê Hương” của ca nhạc sĩ Việt Dũng.
‘Một Chút Quà Cho Quê Hương Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải Chị may áo cưới hay chị may áo tang Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng
Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình
Em gởi về cho anh một cây bút máy Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương Em bán cho đời tìm đường vượt biên Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ Cha chôn cuộc đời trong tử tù chung thân Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần Mơ ước yên lành… trong giấc ngủ…. da…. vàng….”
Nhìn qua song cửa buổi chiều đông tắt nắng, tuyết rơi mấy hôm trước còn phủ trắng trên sân cỏ trước sau nhà. Ngoài kia bay lên, đáp xuống mấy con chim có bộ lông đen mướt, mỏ và chân màu vàng nghệ, chúng đang nhảy nhót ăn tuyết và tìm côn trùng… Các cây cối trơ cành để đón mùa đông giá rét từ tiết trời cuối mùa thu… Bản nhạc “Một Chút Quà Cho Quê Hương” trong CD đã hát xong, tôi cảm thấy lạnh cả người! Tâm hồn tôi thương cảm xác xao, và nước mắt trào dâng… Trong khi phu quân tôi cũng ngồi đó thẩn thờ, hồn rưng rưng! Rồi anh thở dài đứng lên nhìn ra cửa số, như cố giấu lệ ướt mi!
Từ đó dư âm bản nhạc “Một Chút Quà Cho Quê Hương” của Việt Dũng luôn cuốn xoáy tâm hồn khiến tôi nghĩ ngợi, xao xuyến, và thương cảm dâng tràn… Bản nhạc đã đưa tôi trở lại quê nhà đang trầm thống khổ đau, theo từng sự kiện nghe, thấy mà tôi đã từng chứng kiến… Và tôi cũng nghĩ rằng ca khúc “Một Chúc Quà Cho Quê Hương” đã đi vào lòng dân Việt tỵ nạn Cộng sản khắp mọi nơi trên thế giới… Khó ai tránh khỏi nỗi xao xuyến, nghĩ ngợi, thương tâm… như mới nghe lần đầu… và muốn nghe thêm và nghe thêm nữa.
Rồi tôi tự hỏi: “Không biết nhạc sĩ Việt Dũng là ai, mà viết ra lời và nhạc khiến cho đại đa số người nghe rất mẫn cảm, rất dễ xúc động… Điệu nhạc lời ca ai oán, nức nở, đoạn trường… đã đi vào lòng mọi người như thế nầy! Thật là một ca khúc quá tuyệt vời… một nhạc sĩ tài hoa”
Thời gian cứ lặng lẽ trôi mang theo buồn vui của thế nhân! Có hôm lật tờ báo cũ của chị bạn cho, xem đến mục chia buồn tôi mới biết nhạc sĩ Việt Dũng là con của bác sĩ Nguyễn Ngọc Bảy. Chợt nhớ lại mấy mươi năm trước tôi có làm ở phòng mạch ông! Và tôi tự hỏi rằng: “Không biết có phải Việt Dũng là đứa bé trai thuở đó đi bằng cây tó không?”
Sau nầy xem DVD, đọc và xem hình ảnh trên báo chí trong những lần trình diễn văn nghệ chống Cộng khắp Âu, Á, Mỹ… Thì tôi nhận ra, dung nhan người nhạc sĩ tài hoa Việt Dũng đúng là cậu bé dễ thương mà ngày xưa tôi có dịp gặp nơi phòng mạch cha cậu. Mặc dù nay Vệt Dũng không còn là một cậu bé nữa! Bây giờ anh là một thanh niên cao lớn, khỏe mạnh, già dặn theo gió bụi thời gian, mà nét mặt điềm đạm, phúc hậu, nụ cười hiền lành vẫn tiềm tang trên khuôn mặt rạng rỡ trong sáng của anh.
Tôi càng ngưỡng mộ và quý mến Việt Dũng hơn khi biết những việc cá nhân anh âm thầm làm chung cho đại cuộc. Anh đã đấu tranh đòi hỏi “nhân quyền” cho Việt Nam. Có lần tôi nghe Việt Dũng phát biểu trên khán đài lộ thiên, trong những ngày cộng đồng Việt Nam hải ngoại, biểu tình phản đối Trần Trường treo cờ giặc… ở Nam California. Rồi theo dõi trong những đêm, những buổi trình diễn văn nghệ, ca nhạc, đại nhạc hội diều khiển chương trình. MC Việt Dũng cũng nói tiếu, cũng nói đùa… Nhưng anh chừng muc không sa đà, không nói trây, nói tục, nói dai, nói dài, nói dẻo… như những MC khác. Người đời thường bảo: “Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm” làm MC mà cứ nói hoài, nói riết… khiến cho khán thính giả nhàm chán, sẽ chẳng muốn xem nữa.
Về sau, đôi lần tôi điện đàm với Việt Dũng, hỏi thăm dùm người bạn muốn làm một cái CD tân nhạc. Mùa xuân năm đó, tôi có duyên gặp lại Việt Dũng trong buổi tiệc tân niên, của “Nguyệt San KBC/ Hải Ngoại” tháng 12, năm 2009. Bữa tiệc tổ chức tại nhà hàng Diamond ở Graden Grove California.
Việt Dũng ghé qua bàn sách (trưng bày sách của nhiều tác giả) của tôi. Và kế bên là bàn trưng bày phù hiệu của các quân binh chủng Việt Nam Cộng Hòa. Anh chọn hai quyển sách, và hai CD tân nhạc phổ thơ của nhạc sĩ Thông Đạt-Văn Giảng. Anh hỏi:
- Chị còn CD nào của nhạc sĩ Văn Giảng không? Hên quá, hôm nay mới tìm được CD nhạc nầy, chúng tôi rất cần để tương lai làm DVD nhạc chủ đề của ông… Bao nhiêu tiền sách và CD đây chị?
- Năm mươi đồng (50$).
Anh mau mắn lấy bóp đưa cho tôi tờ giấy bạc năm mươi đô la. Tôi trả tiền lại, cười bảo:
- Trả lại Việt Dũng, tiền nầy giả không dùng được!
Anh ta mở to mắt, ngạc nhiên nhìn! Tôi cười tiếp:
- Nói giỡn, tặng Việt Dũng đó…
- Không, không được…. Vậy thì để em phụ với chị tiền in ấn…
Anh ta để 30$ trên bàn, rồi quày quả đi vào trong. Việt Dũng tôi gặp buổi chiều nay không mặc weston, mặt mày không trang điểm như trong những DVD anh làm MC. Nhưng “dung nhan mùa hạ” của anh rất dễ nhìn. Anh mặc áo màu tơ tầm ngã vàng, dài tay để trong thắc lưng, quần màu cỏ úa. Trông anh bình dân nhưng không kém phần lịch sự và trang nhã. Anh là người bình dân, vui vẻ, niềm nở, ăn nói cởi mở…
Nghĩ lại, từ khi ra hải ngoại đến bây giờ, có ba (3) bản nhạc nghe xong khiến tôi xúc động rơi lệ! Đó là bản nhạc: “Quốc Ca Việt Nam Cộng Hòa” từ ngày Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, cho đến ra xứ tự do tôi mới được nghe lại. “Một Người Mang Tên Quốc” và bản nhạc “Một Chút Quà Cho Quê Hương” của ca nhạc sĩ Việt Dũng.
Nơi cố thổ, hay ở ngoại quốc, khắp mọi nơi có người Việt Nam tị nạn Cộng sản. Cho dù ai khó tánh đến đâu cũng công nhận rằng Việt Dũng là một ca nhạc sĩ tài hoa, một MC chiếm được cảm tình hầu hết khán thính giả Việt Nam trên thế giới. Gia đình Việt Dũng hãnh diện có anh! Người Việt không Cộng sản rất hãnh diện, vì ngoài là một nhạc sĩ tài hoa nổi tiếng, Việt Dũng còn là một chiến sĩ tận hiến cho cộng đồng và quê hương suốt 39 năm qua tranh đấu không ngừng đòi “nhân quyền” cho Việt Nam…
Theo thiển nghĩ và sự hiểu biết hạn hẹp cá nhân tôi là trên thế giới tất cả mọi người dân của nước nào cũng vậy, đều có quyền yêu quê hương đất nước của mình. Yêu nước không phân biệt giàu nghèo, quân, dân, già, trẻ, nam, nữ hay địa vị… trong xã hội. Yêu nước ở nhiều khía cạnh khác nhau, và lòng yêu nước thể hiện qua tâm tư, việc làm cùng hành động cũng khác nhau ở mỗi người. Có người sinh hoạt chung trong hội đoàn, đoàn thể… có người hành động lặng lẽ âm thầm riêng rẻ, với khả năng của mình…
Sau ngày 30, tháng 4 năm 1975 miền Nam ta đã rơi vào tay Cộng sản. Nước Việt Nam hoàn toàn bị Việt Cộng thống trị. Chúng đày đọa và bần cùng hóa người dân Việt… Chúng còn hiến dâng, bán lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam cho Tàu Cộng để kiếm lợi riêng. Bọn đảng viên Việt cộng và gia đình có độc quyền làm giàu, bất chấp thủ đoạn và xương máu của dân… Và còn hàng hàng lớp lớp thảm trạng đau thương tang tóc… xảy ra từ phút, từng giờ trên đất nước Việt Nam. Cho nên bất cứ một công dân Việt Nam nào cũng có quyền đấu tranh chống lại bọn ngoại xâm, chống lại Cộng sản, Việt Cộng… và đòi “nhân quyền” cho dân Việt, giành lại lá Quốc kỳ “Vàng ba sọc đỏ” phấp phới bay trong bầu trời nước Việt. Khắp mọi nơi trên thế giới, nơi nào có người Việt là có cờ Vàng ba sọc đỏ. Vì lá cờ “Vàng ba sọc đỏ” là biểu tượng cho lý tưởng tự do dân chủ của người Việt Nam không Cộng sản. Những người Việt Nam nghiêng mình dưới lá cờ “vàng ba sọc đỏ” là những người được hưởng tất cả những gì của người dân Việt Nam được hưởng…
Trên thế giới có bao người Việt Nam ngưỡng phục Việt Dũng. Riêng tôi, ngoài ngưỡng phục, Việt Dũng đúng là một thanh niên Việt Nam Cộng Hòa có tài và có hạnh. “LỜI NGUYỆN CẦU
Thắt lòng bỏ nước ra đi Ngại chi sóng gió hiểm nguy dặm đường “Một Chút Quà Cho Quê Hương” Nghe sao nức nở đoạn trường Dũng ơi!
Tang thương sau cuộc đổi đời… Khổ đau phủ kín khung trời Việt Nam Nay về nước Chúa bình an… Xuân luôn ngự cõi Thiên Đàng trên cao
Anh nêu gương tốt ngàn sau… Buồn trong nỗi nhớ, nghẹn ngào tiếc thương… Tình dân tộc, nghĩa quê hương… Thời gian dài dẵng kiên cường đấu tranh…
Bao người “ngưỡng phục” lòng thành Nguyện cầu Việt Dũng, ơn lành Chúa ban…” California, mùa Giáng Sinh Ngày 20 tháng 12 năm 2014 DƯ THỊ DIỄM BUỒN.Edited by user Friday, December 19, 2014 2:14:39 PM(UTC)
| Reason: Not specified |