Thằng mất dậy kia giở giói ra
Cách đây mấy năm, trong cuộc thi Ai Là Triệu Phú của đài truyền hình VTV3 Hà Nội, một giảng viên trường Đại Học Sư Phạm, cô Nguyễn Thị Tâm 27 tuổi, khi trả lời một câu hỏi liên quan đến văn học Việt Nam, đã cho biết cô chưa hề nghe nói tới Tự Lực Văn Đoàn bao giờ và nói rằng theo cô, có thể đó là tên một gánh cải lương mặc dù có hai chữ văn đoàn ở cuối. Rồi cô giảng viên đại học này khẳng định Nhất Linh là một nghệ sĩ cải lương, còn các ông Hoàng Đạo, Thạch Lam và Khái Hưng thì cô không rõ có phải là nghệ sĩ cải lương như Nhất Linh hay không. Giám khảo cuộc thi cho cô được dùng điện thoại cầu cứu một đồng nghiệp mà cô nói là người đọc rất nhiều sách, kiến thức rất rộng để giúp cô trả lời câu hỏi. Nhưng người đồng nghiệp này (cùng dậy ở đại học với cô) cũng đáp sai tất cả các câu hỏi về Tự Lực Văn Đoàn và nói Hoàng Đạo không phải là anh em với Nhất Linh và Thạch Lam.
Năm ngoái, một cô giáo tên là Hà Thị Thu Thủy dậy ở trung học Lômônôxốp thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội thì đã cùng sai lầm với học sinh khi học sinh của cô viết trong bài luận văn rằng “canh gà Thọ Xương” trong một bài ca dao rằng “canh gà” là một món ăn mà em rất muốn được cha cho đi ăn thử một lần. Cô giáo Thủy cho em học sinh 8 điểm và không sửa một chữ nào của bài luận văn. Như thế là cô hoàn toàn đồng ý với chi tiết em học sinh viết trong bài luận. Hồ sơ cho biết cô tốt nghiệp khoa văn của trường Đại Học Sư Phạm Hà Nội và vừa hoàn tất luận văn thạc sĩ với số điểm 10/10. Sau khi bài luận của em học sinh được cô cho điểm cao được đưa lên báo, cô đã xin nghỉ việc và vào một bệnh viện tâm trí để nghỉ ngơi.
Chi tiết đáng nói nhất trong hai vụ này là cô giáo Thủy đã xin nghỉ dậy còn cô Nguyễn thị Tâm tại cuộc thi của đài truyền hình với những câu trả lời về Tự Lực Văn Đoàn chỉ bị loại khỏi cuộc thi.
Ông Tú Vị Xuyên mà còn sống thế nào ông chẳng hét ầm lên rằng “…học trò chúng nó tội gì thế / lỡ để hai cô túm được đầu…”
Hai cô giáo dậy văn mà kiến thức về văn học Việt Nam như thế thì dốt thật. Nói câu này thế nào chẳng có người trách rằng lại đem trình độ của các nhà giáo thời Việt Nam Cộng Hòa ra để chê các nhà giáo của cái nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc ngày nay.
Nhưng không nói như thế không được, vì những thứ nhà giáo ngu dốt như vậy thì không hề thiếu ở Việt Nam ngày nay. Dẫu có khiêm tốn cách mấy đi chăng nữa thì cũng phải nói ngay rằng chúng tôi hồi còn đi học ở trung học không thể dốt tàn dốt tệ như thế được. Trong giờ kim văn lớp đầu tiên của bậc trung học, lớp đệ thất, chúng tôi đã đọc Anh Phải Sống của Khái Hưng, Núi Văn Dú của Thế Lữ, mấy đoạn trích trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, một hai bài viết trong Bùn Lầy Nước Đọng, Con Đường Sáng của Hoàng Đạo, và Cô Hàng Xén, Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam nên nếu bị hỏi về Tự Lực Văn Đoàn, chúng tôi… giỏi hơn cô Nguyễn Thị Tâm đang dậy ở Đại Học Sư Phạm rất nhiều nhiều.
Mới đây ở Việt Nam người ta đã nói về những thay đổi cần có cho chương trình giáo dục Việt Nam. Tôi không biết những đổi thay đó sẽ như thế nào nhưng biết là trong đó có những thay đổi trong lãnh vực sách giáo khoa.
Những thay đổi, sửa sang đó sẽ như thế nào? Thí dụ trong lãnh vực văn học như kim văn và cổ văn? Thay đổi ra sao để cải tiến trình độ của các nhà giáo để tránh xảy ra những chuyện ngu dốt như người ta đã thấy?
Câu hỏi này làm nhiều người nhớ tới một cuốn sách nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin in năm 2012. Cuốn sách được nói là của Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư không rõ trong lãnh vực gì. Một người giới thiệu cho biết ông kỹ sư này đã nghiên cứu rất kỹ Truyện Kiều và các tài liệu liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Du để đưa ra khoảng một ngàn sửa chữa, dẹp bỏ hẳn những từ ngữ khó hiểu lấy từ chữ Hán và thay thế bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều.
Đỗ Minh Xuân cho rằng những thay đổi của ông sẽ giúp cho Truyện Kiều của Nguyễn Du hay hơn, dễ hiểu hơn. Để làm được việc đó, Đỗ Minh Xuân đã sửa và thay thế hơn một ngàn chữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du bằng những chữ mà ông cho là dễ hiểu hơn, thuần Việt hơn là nguyên tác của Nguyễn Du.
Truyện Kiều có 3.524 câu thì Đỗ Minh Xuân lôi hơn một ngàn câu ra sửa. Như vậy, người đàn ông này đã can thiệp vào 1/3 tác phẩm của Nguyễn Du.
Về giá trị của Truyện Kiều thì không cần phải nói ở đây. Những người không ưa Nguyễn Du đả kích ông về thái độ hàng thần lơ láo của ông khi ra làm việc với nhà Nguyễn, nhưng không thấy có một ai chê Truyện Kiều. Cốt truyện có thể là thường thôi. Nhưng khía cạnh văn chương mới là viên ngọc quí của văn học Việt Nam. Văn chương của Truyện Kiều đã được coi là lý do tồn tại của tiếng Việt và nước Việt như một câu nói của Phạm Quỳnh.
Văn chương như thế mà nay bị một người chê là thua chữ nghĩa của ông ta, rồi lại được một người cũng có vai, có vế ở Việt Nam hết lòng xưng tụng, coi cuốn sách của Đỗ Minh Xuân là “một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều”. Ông này còn nói rằng Đỗ Minh Xuân có “một tinh thần khoa học nghiêm túc”, rồi “hoan nghênh công phu nghiên cứu” của ông ta.
Tôi muốn nói thêm một điều ở đây rằng đây là lần cuối cùng tôi nhắc đến người đàn ông tên là Đỗ Minh Xuân bằng chữ “ông” vì sau lần này, cách đề cập tới Đỗ Minh Xuân sẽ không bao giờ được dùng với chữ “ông” nữa.
Nó hoàn toàn không xứng đáng. Nó chỉ là một thằng dốt, ngu xuẩn, hỗn hào và mất dậy.
Nó tự coi nó là đứa tài giỏi hơn Nguyễn Du, chữ nghĩa hơn nhà thơ Tiên Điền, vượt lên trên mọi nỗ lực, mọi việc làm của người đi săn núi Hồng Lĩnh. Nên nó mới đòi sửa lại hơn một ngàn câu trong Truyện Kiều.
Để coi nó sửa như thế nào mà nó dám nói rằng nó sửa để làm cho Truyện Kiều hay hơn.
Ở ngay những đoạn đầu của Truyện Kiều nó đã thay thế hẳn câu “Lạ gì bỉ sắc tư phong”, câu tóm gọn được ý chính của Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều để đẩy vào câu “Mỗi người thứ có thứ không” rồi kéo câu kế tiếp lên để thành:
Mỗi người thứ có, thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen
Lập tức ý niệm tài mệnh tương đố, con Tạo đánh ghen với má hồng biến mất không sao tìm lại được nữa.
Ở câu “Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” thì đại danh từ “nghỉ” được thay bằng đại danh từ “ông” cho dễ hiểu và mới hơn, hay hơn Nguyễn Du!
Hai chữ “mạch tương” mà Nguyễn Du dùng để đưa một điển cũ vào hoàn cảnh của Kiều thì bị bỏ hẳn
Vâng lời khuyên nhủ thấp cao
Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương,
để trở thành:
Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương
nghĩa là đang suy nghĩ thì trời đã… sáng. Không còn thấy nước mắt của Kiều đâu nữa.
Đoạn mô tả nấm mồ của Đạm Tiên nguyên là “sè sè nắm đất bên đường” với hai chữ “sè sè” được dùng để tả ngôi mộ thấp, không được đắp cao lên, nói lên cảnh đìu hiu, không ai chăm sóc của ngôi mộ vô chủ thì bị đổi thành “se se” và giải thích đó là nấm mồ mới đắp, đất hơi se se, chưa hồi phục hẳn.
Trong khi đó, Đạm Tiên chết đã lâu như lời dẫn của Vương Quan: “Đạm Tiên nàng ấy XƯA là ca nhi”. Nấm mồ ấy đã “trải bao thỏ lặn ác tà” thì mộ mới đắp lúc nào? Kiều làm thơ tặng Đạm Tiên thì bị Thúy Vân chê là “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”.
Hiểu bố lếu bố láo như thế rồi sửa thơ của Tiên Điền.
Câu 280 hai chữ “Lãm Thúy” rất đẹp bị đổi thành “kiểu dáng”. Điển Lam Kiều trong câu 266 bị bỏ hẳn không nhắc tới và thay bằng “đánh liều” nên từ nguyên bản “Xăm xăm tìm nẻo Lam Kiều lần sang” thành “xăm xăm tìm nẻo đánh liều lần sang”.
Hai chữ Hợp Phố trong điển châu về Hợp Phố bị bỏ và thay bằng “chủ cũ”.
Câu “Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này” bị sửa thành “Xưa nay hiếm thấy tài đâu thế này”.
Câu “Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi, Trương” là để nhắc tới Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy thì bị đổi thành “Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang”. Nét bác học điển cố của câu thơ bị loại hẳn.
Câu “Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh” bị đổi thành “Ấy là trong mộng hay là thực sinh”. Thực sinh là sinh cái gì đây?
Điển “trên Bộc trong dâu” bị đổi thành “trên cỏ dưới dâu”.
Câu “nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” trở thành “nước non luống những lắng tai ngưỡng vì”. Bá Nha và Tử Kỳ bị đuổi khỏi đoạn dạo khúc cho tiếng đàn rất đẹp của Kiều.
Câu “Thời trân thức thức sẵn bầy” bị sửa thành “Quả ngon thức thức xách tay” để thành món … “to go” cho tiện…
Hai câu: “Trộm nghe thơm nức hương lân / Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” bị sửa cho dễ hiểu (?) hơn để thành “Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai Kiều” cho hai Kiều ngủ bót công an chơi.
Mấy chữ rất đắt của Nguyễn Du cũng bị mang ra dung tục hóa đi rất nhiều như trong câu “Người về chiếc bóng năm canh” bị đổi thành “Người về đơn bóng năm canh”. Rồi hễ cứ chỗ nào có chữ “chiếc” để nói về sự đơn lẻ, cô quạnh là nó thay ngay chữ “chiếc” bằng một chữ khác ngay.
Câu “Trải qua một cuộc bể dâu” là một tóm gọn cả cuộc đời lưu lạc bất hạnh của Kiều thì bị sửa thành “Trải qua MỖI cuộc bể dâu” vì nó lý luận rằng có nhiều cuộc bể dâu nên nói “một” là không đúng. Phải sửa như nó, Đỗ Minh Xuân, mới hay và đúng.
Thế nên, có mới hơn, có hay hơn, có dễ hiểu hơn thì người ta có thể thấy ngay khi đọc những chữ mà Đỗ Minh Xuân đã dùng để thay cho những chữ trong nguyên bản của Nguyễn Du.
Khốn khổ là một thằng dốt dám hỗn hào sửa chữ của nhà thơ lớn nhất của văn học Việt Nam rồi lại được một đứa dốt và ngu không kém lôi ra hít hà, khen lấy khen để.
Chuyện học hành của thế hệ học sinh sắp tới sẽ như thế nào với cuốn sách được coi là đóng góp “đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều”.
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh là thế.
Bố khỉ! Đúng như Nguyễn Khuyến đã viết trong một bài thơ vịnh Kiều:
Thằng bán tơ kia giở giói ra
Làm cho bận đến cụ Viên già…
Chỉ khác thằng bán tơ là một thằng ranh con dốt nát và mất dậy. Cụ Viên thì là nhà thơ Tiên Điền mà thôi.
* * *
Ngày 29 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
Mấy tháng trước, một nhân vật trong chính giới Hoa Kỳ, khi bực bội phát biểu về mấy cậu Taliban ở Afghanistan, có gọi mấy cậu này là cái bọn trùm khăn tắm lên đầu — those towelled heads.
Lập tức chàng bị mấy tờ báo đem làm thịt, nói rằng chàng là người đầu óc kỳ thị, coi rẻ, khinh miệt những người Hồi giáo… Những người này nhẩy đong đỏng lên nói rằng gọi những chiếc khăn quấn lên đầu của các cậu Taliban là khăn tắm là nhục mạ Hồi giáo, là bằng cớ cho thấy một thái độ khinh thị những người không cùng văn hóa, tôn giáo với mình. Những chiếc khăn quấn trên đầu này, theo những người đó, là những vật thiêng liêng gắn liền với Hồi giáo. Gọi chúng là những cái khăn tắm là một việc làm xúc phạm, báng bổ Hồi giáo.
Tội như vậy thì quá nặng. Chàng hoảng hốt phải xin lỗi rối rít mới không bị lôi ra xử bằng luật Hồi giáo như đánh cho vài chục roi quắn đít lại, hay chặt cái tay, cái chân, ném đá cho nát mặt, vân vân.
Nhưng thực ra thì không phải vậy. Những cái khăn này không hề dính dáng đến Hồi giáo. Jean Abinader, Giám đốc điều hành của Học Viện Hồi Giáo Hoa Kỳ, nói rằng những chiếc turban (chữ dường như xuất xứ từ tiếng Farsi, ngôn ngữ chính của Iran) không hề là vật bắt buộc phải quàng lên đầu những người anh em Hồi giáo bao giờ. Quàng hay không quàng là tùy ý. Có cái khăn trùm đầu những lúc nắng mưa mà nữ sĩ họ Hồ của chúng ta đã nói từ hơn thế kỷ trước cũng đã đời lắm, nhưng không là chuyện bắt buộc bao giờ:
… Mát mặt anh hùng khi nắng cực
Che đầu quân tử lúc sa mưa… (*)
Chuyện nó dính tới Hồi giáo thì không hề có, như mấy cậu nhà quê hô hoán lên.
Tuy thế, nếu chàng chịu khó chai lì một chút, không vội vã, hốt hoảng, thì nay chàng không còn cần phải xin lỗi ai hết.
Tại trại X Ray ở căn cứ Guantanamo, nơi giam giữ một số tù Taliban và Al Qaeda, một cậu Taliban hay Al Qaeda bị giữ trong trại mấy tuần qua, ngồi buồn quá, ngoài trời thì lúc nắng, lúc mưa, cậu thấy… cực vô cùng mà không có cái gì cho mát… mặt, hay che cái đầu lúc sa mưa, cậu bèn kiếm đại một thứ sẵn bên cạnh, quấn lên đầu cho bõ cảnh xa quê hương nhớ vợ già. Lính gác giật cái turban dã chiến của cậu ra vì lệnh trong trại cấm… che đầu quân tử bằng bất cứ một vật gì, dẫu cho là mưa sa hay nắng cực thì cũng thế.
Thế là các cậu Taliban và Al Qaeda khác ào ào rủ nhau tuyệt thực phản đối, nói rằng Hoa Kỳ đã vi phạm nhân quyền của cậu này khi không cho cậu quấn khăn trên đầu như đời sống văn hóa của các cậu đòi hỏi. Mặc dù cái mà cậu quấn lên đầu chỉ là cái khăn trải giường của cậu.
Thế là nhà chức trách Mỹ phải chiều các cậu ngay, cho các cậu quấn cái gì lên đầu cũng được. Cho dù đó là cái khăn trải giường.
Thôi thì cứ cho các cậu quấn cái khăn đó lên đầu. Nhưng đừng có giặt ủi gì cả. Cứ tối trải ra nằm lên, chùi đủ các thứ, từ chân cẳng, đít khu lên khăn, sáng lại đội lên đầu cho… đẹp. Muốn quấn cho quấn. Không cấm cản nữa. Khăn (?) ai… vừa mũi người ấy.
Bây giờ mà gọi các cậu là bọn quấn khăn trải giường thì ai dám phản đối?
Nhưng các cậu Taliban và Al Qaeda quả là những người tù khó tính. Ngày hôm sau, các cậu lại tuyệt thực nữa. Lý do là vì trại tù để cho các nữ quân nhân Mỹ mang thức ăn vào cho các cậu. Các cậu nói rằng đàn bà không được mó đến đồ ăn của các cậu. Mó đến là đồ ăn (?) của các cậu bị nhơ nhớp, bẩn thỉu.
Bố khỉ, cứt lạc đà thì phơi khô, hết đem bôi lên mặt cho đẹp, lại dùng để nấu ăn, trát lên tường làm vách… thì không sao. Các phụ nữ Mỹ, những người tiêu hàng mấy tỉ bạc cho son phấn, nước hoa, sản phẩm của Victoria’s Secret thì chê là dơ dáy, không cho đụng tới đồ ăn thức uống.
Các cậu nhà quê Taliban và Al Qaeda có biết là ở nước Mỹ này có bao nhiêu người mong được cơm bưng nước rót như vậy không?
Không chịu thì để… tôi. Không cần phải tuyệt thực như vậy. Ðúng là cái thứ cả đời chưa được uống một chai Heineken, chỉ biết (H)ôn (E)m (Í)t (N)ên (E)m (K)hều, (E)m (N)héo. Ðã có thì phải biết (N)ếu (E)m (K)hoái (E)m (N)ằm (I)m (E)m (H)ưởng chứ!
Ngu ơi là ngu.
* * *
Ngày 30 tháng 4 năm 2014
Bạn ta,
“Thà làm một Socrates khốn khổ còn hơn làm một con heo tự mãn”. Người nào nói câu này, có lúc tôi nghĩ, chưa bao giờ là con heo. Vì chưa bao giờ là con heo nên làm sao dám nói là heo cũng sung sướng, hạnh phúc đến độ tự mãn được?
Không. Heo không có gì để tự mãn. Từ khi ra đời đến lúc được đưa đến lò heo để biến thành… thịt heo, heo không bao giờ sung sướng và hạnh phúc. Ðời sống chỉ xoay quanh những cái máng chứa thực phẩm, ăn cho béo để chờ ngày tới lò sát sinh, có gì đâu để mà tự mãn, sung sướng với hạnh phúc của mình để bị so sánh với Socrates?
Socrates thì khốn khổ thật. Khốn khổ đến nỗi phải trở thành triết gia như ông đã có lần nói: “là đàn ông nên lấy vợ, may ra thì hạnh phúc một đời, nếu không thì cũng thành triết gia”. Socrates trở thành triết gia, cuối cùng uống thuốc độc tự vẫn.
Nhưng có thể cũng có những con heo sung sướng và hạnh phúc thật. Ở Westphalia thuộc nước Ðức, nơi có đến 6 triệu con heo được nuôi trong các trại heo, mới đây, nhà cầm quyền, theo tờ Parade (số ra ngày 5/5, trang 17), đòi các trại chủ phải nuôi những con heo này một cách nhân đạo hơn.
Thế nào là nhân đạo? Theo khuyến cáo của nhà chức trách, mỗi con heo nuôi trong trại phải có ít nhất 1 mét vuông để xoay xở cho dễ, và mỗi con phải được cung cấp một tấm nệm nhỏ để ngả lưng khi đi ngủ. Vào giờ chơi, heo phải có đồ chơi để giải trí cho đỡ buồn. Mỗi ngày heo phải được hưởng 8 tiếng đồng hồ ánh sáng mặt trời, bất kể mùa đông hay mùa hạ. Cuối cùng, mỗi con phải được người nuôi ngó nhìn vào tận mặt ít nhất 20 giây đồng hồ.
Không biết được đối xử như thế, món thịt heo muối hay súc xích mà vùng Bắc sông Rhine-Westphalia sản xuất khoảng hơn 300 loại có ngon hơn thịt heo nuôi theo lối thông thường không.
Nếu được đối xử như vậy thì heo quả có hạnh phúc hơn Socrates thật. Riêng khoản mặt nhìn mặt và tay trong tay không nói một câu trong 20 giây, heo cũng sung sướng hạnh phúc hơn rất nhiều đồng loại với ông triết gia người Hy Lạp rồi. Huống chi lại được dăm ba câu vỗ về đại khái: “Heo đấy à? Có mệt không heo? Hôm nay đi làm có gì vui không heo? Ở sở heo có bị mấy đồng nghiệp cạnh tranh nhan sắc làm kinh hoàng không? Heo có bị đứa nào chê là ngu như heo không? Heo có thích làm trò con heo không? Heo thích làm heo thịt hay heo nọc? Heo muốn sau này lớn lên làm bacon hay ba chỉ? Heo không ưa ba rọi sao? Hay muốn làm dồi tràng, dồi tiết, dồi mỡ? Heo có thích vào nồi cháo lòng để bà phó tổng thống gánh đi bán cho ông khỏi phải cúi đầu như bà đã nói cách đây vài chục năm không? Không à? Cũng không thích bún bò Huế vì sợ ớt hay sao? Thôi được, hủ tíu heo vậy nhé. Chịu khó hay ăn chóng lớn nhé, đừng có làm lợn cấn ăn cám tốn nhé. Có uống cà phê không, để em (?) pha cho. Hay uống trà nghe cục cưng heo? Ở Macy’s hôm nay có sale đặc biệt. Ngay cạnh lại là St. John với lại Prada, Louis Vuitton heo dẫn em đi shop nhé…”
Ðược cho ăn, cho ngủ tử tế, giờ chơi được quăng cho mấy món đồ chơi, mỗi ngày được vỗ về 20 giây với bằng ấy lời an ủi thì hơn là làm ông Socrates với mấy tư tưởng triết lý vớ vẩn trong lúc đàm đạo với môn sinh là Plato nhiều.
Vậy thì làm ông Socrates khốn khổ mà làm gì? Làm heo tự mãn sướng hơn nhiều chứ. Cho dù là chỉ được một phút huy hoàng rồi chợt tắt. Còn nếu được như đôi câu đối của cụ Tam Nguyên tặng ông hàng thịt:
Tứ thời bát tiết canh chung thủy
Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang
Thì còn gì hơn được nữa?
Hơn đứt chuyện làm Socrates suốt năm canh nhiều!
* * *
Ngày 1 tháng 5 năm 2014
Bạn ta,
Chuyện ăn sáng và uống cà phê lúc ngồi trước tay lái trong khi xe di chuyển đang được báo chí nhắc đến liên tiếp hai tuần nay, nói rằng đó là việc hết sức nguy hiểm cho lưu thông xa lộ. Ðiều này khiến nhiều người nghĩ là có thể các nhà làm luật lại đang dự tính làm thêm một số luật mới cho cái tiểu bang miền tây đã quá nhiều luật lệ này.
Các ông bà nghị đúng là không có gì làm nên nhàn cư, lại nghĩ ra những chuyện vớ vẩn khác để làm khổ chúng ta. Chắc họ định cấm vừa lái xe vừa ăn sáng như cấm vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại vậy.
Chuyện ăn sáng và uống cà phê là một việc làm hoàn toàn hợp lý đối với những người sáng lái 40 dặm đi, chiều lái 40 dặm về, trên đường đi đến sở vào buổi sáng cũng như trên đường về nhà vào buổi chiều thế nào cũng kẹt xe ít ra là 4 lần. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi trong xe, còn việc làm nào lợi ích và thú vị hơn là bữa điểm tâm đầu ngày?
Buổi sáng nhặt hai tờ báo ngoài cửa vào, vừa đọc vừa xem tin truyền hình, quần áo lịch sự, nước bông thơm lừng, sửa sang lại tấm nhan sắc cho não nùng (?) một chút, lên xe chạy ra Starbuck mua chiếc croissant, ly cà phê Latte Grande đặt vào cái giá đựng ly, lấy cái CD của Diana Krall bỏ vào máy, vặn lên nghe Cry Me A River thì còn gì hơn?
Ly cà phê ra đến xa lộ thì vừa uống, không còn cháy lưỡi nữa. Tay bỏ ly cà phê xuống thì cầm chiếc croissant lên. Hai khuỷu tay để trên tay lái, điều chỉnh nút cruise để xe chạy đúng 60 dặm mà không cần phải đặt chân lên ga. Hai tay bẻ chiếc croissant lấy một miếng đưa lên miệng. Một hớp cà phê. Giọng Diana Krall chuyển qua bài I Get Along Without You Very Well tiếp theo sau bài Dancing In The Dark…
Gần tới phi trường Los Angeles thì bữa sáng cũng đã xong, và cũng nghe xong một nửa cái CD của Diana Krall. Xe bắt đầu kẹt. Vận tốc giảm xuống còn 30, rồi 20, rồi 10, rồi 5… Mãi đến lúc thấy cái bảng đầu tiên chỉ về hướng Santa Monica xe mới hết kẹt… Trở lại với vận tốc cũ, 60 rồi 65. Ly cà phê đã uống xong.
Tới sở làm, đậu xe, phủi những vụn croissant rơi trên áo, vuốt lại quần áo cho “thẳng thớm” và bắt đầu một ngày mới.
Buổi chiều nếu không có ai rủ đi ăn thì lại ghé tiệm đầu phố gọi một món take out rồi ra xe, dùng bữa chiều trên… đường về nhớ đầy (?).
Như thế mà các ông bà nghị định lấy đi niềm vui của những người công dân gương mẫu thì ác không dể đâu cho hết ác được.
Lấy đi thì họ sẽ làm gì với hơn hai tiếng đồng hồ mỗi ngày trên xa lộ 405 rồi freeway 10 ở California?
Những người đàn ông trung niên không hề đánh rối mái tóc, quét vôi, tô lại đôi môi, mang đôi panty hose vào như tờ Los Angeles Time cho biết, hay đổi cái nịt vú, quăng cái cũ ra ngoài như sở lộ vận cho biết trên đoạn xa lộ chạy ngang Orange County người ta nhặt được rất nhiều quần áo lót phụ nữ quăng xuống dọc đường.
Vậy thì tại sao lại lấy đi niềm vui ấy của họ? Không có ly cà phê Starbuck, không có chiếc croissant thì họ sẽ phải làm gì trong một tiếng đồng hồ trên xa lộ mỗi sáng?
Rồi lại một tiếng đồng hồ khi… chiều chậm đưa chân ngày?
Trong khi người công dân tốt này không bao giờ quăng cái ly giấy ra cửa xe cho dù đường có vắng cách mấy đi chăng nữa, tuy việc quăng cái ly giấy ra là sẽ tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người dân ở California.
Mặc dù nó không lý thú bằng khi quăng những chiếc quần lót, những chiếc nịt vú ra xa lộ như tờ Orange County Register đã tiết lộ mấy năm trước.
Nhưng ngay cả những việc làm (?) đòi hỏi phải quăng chúng ra xa lộ cũng không nên cấm chút nào. Huống chi là chuyện ăn sáng và ăn chiều của tôi.