Rank: Advanced Member
Groups: Moderator, Registered Joined: 3/15/2011(UTC) Posts: 5,595 Location: CỏThơm
Thanks: 4254 times Was thanked: 10700 time(s) in 2632 post(s)
|
Một thời nhạc trẻ Sài Gòn. Khái niệm “trẻ” trong âm nhạc thật sự đã tiềm ẩn từ thập niên 30 thế kỷ trước, khi nền âm nhạc Tây phương du nhập vào Sài Gòn lúc bấy giờ. Khác với nền âm nhạc truyền thống, nhạc trẻ được gọi là “trẻ” khi bản nhạc ấy được sự yêu thích bởi những thanh niên, thiếu nữ trong lứa tuổi đang yêu.
Thời ấy âm nhạc nhẹ nhàng thật sự cũng đã “trẻ trung” lắm rồi. Nhưng phải mất một thời gian nữa nhạc trẻ Việt thật sự bùng phát, bắt đầu vào khoảng thập niên 60, trở thành một làn sống mãnh liệt ảnh hưởng rộng rãi trong sinh hoạt của người Việt thời bấy giờ. Nhờ vào các phương tiện thông tin, truyền thông, cũng như sự đổi mới trong tư tưởng phóng khoáng đi cùng “phong cách” biểu diễn mà âm nhạc dành cho giới trẻ phát triển rộng rãi. Đặc biệt với sự chú trọng đến các tiết tấu và nhịp điệu trống.
Nói đến phát triển trong nền nhạc trẻ không thể không nói đến sự quan trọng của bầu sô, những người góp phần làm nhạc trẻ thăng hoa. Bắt đầu từ việc tổ chức Đại hội nhạc trẻ năm 1963, do Trường Kỳ phụ trách. Rồi theo thông lệ, cứ hằng năm Đại hội lại qui tụ nhiều ban nhạc khác tham gia lúc bấy giờ. Những tên tuổi đáng nhớ trong thành phần ban tổ chức như Tùng Giang, Nam Lộc, Kỳ Phát hoặc bác sĩ Bùi Thế Chung đều không ai ở thế hệ trước mấy xa lạ. Chính nhờ những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phong trào nhạc trẻ Sài Gòn “ra đời”. Tại sao phải đợi đến lúc bấy giờ mới có sự “ra đời” của nhạc trẻ? Bởi vì trước đây các ban nhạc từng tham gia đại hội hầu hết đều trình bày nhạc quốc tế, chủ yếu là nhạc Mỹ, chủ yếu vì nhạc ngoại tiết tấu khá sôi động.
Trải qua ngần ấy năm tưởng cũng nên nhắc lại những gương mặt tiêu biểu một thời của dòng nhạc trẻ Sài Gòn trải qua từng thập niên. Đầu tiên phải nhắc đến gương mặt của người nhạc sĩ trẻ tiêu biểu, người tiên phong trong việc “trẻ hóa” âm nhạc Việt, không ai khác chính là nhạc sĩ Lê Hựu Hà. Có lần trước khi nhóm nhạc trẻ giữa Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang được thành lập, Lê Hựu Hà từng nói với Nguyễn Trung Cang rằng anh muốn thành lập một ban nhạc trẻ theo kiểu ban The Beatles. Nhưng anh Nguyễn Trung Cang trả lời anh không nghĩ rằng nhạc Việt nam có thể làm theo “mô hình” ấy và từ chối tham gia.
Elvis Phương (X) và Rockin' Stars thuộc số những nghệ sĩ khuấy động phong trào nhạc trẻ Sài Gòn Nhưng sau đó khi Nguyễn Trung Cang vô tình nghe những ca khúc trẻ trung của do Lê Hựu Hà sáng tác qua sự trình bày của ca sĩ Elvis Phương chính Nguyễn Trung Cang cũng bất ngờ và lấy làm phấn khích. Từ đó anh đã đồng ý gia nhập để trở thành một thành viên của ban nhạc trẻ Phượng Hoàng do anh Lê Hựu Hà sáng lập. Nguyễn Trung Cang cùng Lê Hựu Hà chọn cho mình con đường “trẻ hóa” trong những sáng tác sau đó với những tác phẩm xuất sắc, bất hủ tiêu biểu cho nền nhạc trẻ Sài Gòn như: Yêu người & Yêu đời, Tôi muốn, Hãy ngước mặt nhìn đời, Phiên khúc… Vì vậy mà Lê Hựu Hà từng đoạt được giải thưởng Kim Khánh, giải thưởng âm nhạc sáng giá nhất thời đó. Còn nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang cũng cho ra đời những ca khúc phong phú như: Thương nhau ngày mưa, Kho tàng của chúng ta, Mặt trời đen…
 Ban nhạc Phượng Hoàng: Những người trụ cột (đã mất) là Lê Hựu Hà (đầu hàng, trái qua) và Nguyễn Trung Cang (thứ hai, phải qua)
Kể từ đó hàng loạt những sáng tác theo chiều hướng “trẻ hóa” được tiếp nhận và cho ra đời từ nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp như Tùng Giang với Biết đến thuở nào, hoặc cùng Nam Lộc sáng tác bản Anh đã quên mùa Thu. Tiếp theo là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với những tuyệt tác như Không, Tình khúc chiều mưa, Ai đưa em về… Đặc biệt cũng phải kể đến sự xuất hiện của đôi song ca bất hữu Lê Uyên Phương với những tình ca bất tử như Vũng lầy của chúng ta, Tình khúc cho em, Hãy ngồi xuống đây, Cho lần cuối…
Tiếp đến là thập niên 70 cũng đánh dấu nhạc trẻ Sài Gòn vượt biên giới để ra quốc tế như những sáng tác Phạm Duy viết chung với Ngọc Chánh như Bao giờ biết tương tư, từng đoạt giải tại cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Tokyo do nữ ca sĩ Thanh Lan trình diễn. Thanh Lan cũng là thần tượng của giới trẻ sinh viên thời bấy giờ. Nhạc trẻ Sài Gòn còn có thêm rất nhiều nhạc sĩ đầy tài năng như Quốc Dũng kết hợp với nữ ca sĩ Thanh Mai, là cặp đôi tài sắc vẹn toàn. Quốc Dũng từng được mệnh danh là “thần đồng âm nhạc”, còn Thanh Mai xinh đẹp, trẻ trung đến độ được đặt tên hiệu “búp bê” với những ca khúc đầy sức hút và sáng tạo như Mai, Điệp khúc mùa xuân, Cơn gió thoảng, Bên nhau ngày vui... Phong trào nhạc trẻ có sức lôi cuốn đến độ những nhạc sĩ lão làng cũng tự “trẻ hóa” các ca khúc của mình qua một loạt bài hát gây ấn tượng sôi động và giá trị cho đến ngày nay như Tuổi thần tiên, Tuổi hồng, Tuổi ngọc, Ông Trăng xuống chơi...
Giai đoạn thập niên 70 có thể nói là thời hoàng kim của nhạc trẻ Sài Gòn, sau đó tạm lắng vì hoàn cảnh xã hội thay đổi, nhưng không phải vì thế mà nhạc trẻ Sài Gòn bị dừng lại. Thập niên 80, nhiều ban nhạc trẻ nở rộ và phát triển mạnh trở lại. Các ban nhạc nổi tiếng như Hy Vọng, Đại Dương, Sinco, Sao Sáng... với nhiều ca khúc tự biên, tự diễn làm say mê giới trẻ. Đến cuối thập niên 80, ban nhạc August do Nguyễn Quang dự Festival âm nhạc thế giới, được tổ chức tại Hàn Quốc. Anh đã mang về tấm huy chương vàng quốc tế đầy vinh dự.
Qua những nét thăng trầm của xã hội, chính những sáng tạo đầy trẻ trung mà nhạc trẻ Sài Gòn đã cống hiến những ca khúc đi vào lòng người mang đầy tính cao thượng, nêu cao nét đẹp cuộc sống, và làm phong phú cho đời sống tinh thần. Và đúng như ai đó từng nói “âm nhạc là triết học, là sứ giả của hòa bình và tình thương yêu”. Nhạc trẻ Sài Gòn đã làm được những điều như vậy. Nguyên Thành - Minh Tâm |
 3 users thanked Hạ Vi for this useful post.
|
|